NASA: 'Sẽ khai thác đất hiếm từ Mặt Trăng trong tương lai gần'
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm tàu vũ trụ Apollo 11 đưa con người lên Mặt Trăng, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định ngành công nghiệp vũ trụ sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn.
Theo CNBC, Giám đốc NASA Jim Bridenstine tuyên bố hoạt động khai thác đất hiếm từ Mặt Trăng sẽ diễn ra "trong thế kỷ này". "Bề mặt Mặt Trăng có hàng tấn kim loại quý thuộc nhóm bạch kim và đất hiếm, có giá trị rất lớn ở Trái Đất", ông Bridenstine cho biết.
Đất hiếm là một trong những "ngòi nổ" trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế trừng phạt 25% lên khối hàng hóa 250 tỷ USD của Trung Quốc, truyền thông nước này kêu gọi chính quyền Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để trả đũa.
Khoảng 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc. Đây là nguyên liệu rất cần thiết để sản xuất các sản phẩm điện tử và công nghệ, từ điện thoại thông minh, xe điện cho đến thiết bị quân sự...
Giám đốc NASA nhận định hoạt động khai thác đất hiếm từ Mặt Trăng sẽ sớm trở thành hiện thực bởi làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp không gian đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
“Các tỷ phú đang đầu tư lớn vào ngành công nghiệp không gian và NASA hưởng lợi từ đó. Chúng tôi đang có thêm những đối tác thương mại mới, họ có thể giảm thiểu chi phí. Họ cũng sẽ phục vụ cho các đối tượng khách hàng khác ngoài NASA", ông Bridenstine giải thích.
Ông Bridenstine nhắc đến các tỷ phú như Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson. Họ là nhà sáng lập các công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, SpaceX và Virgin Galactic.
Theo chỉ đạo của Nhà Trắng, NASA đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2024 trong chương trình Artemis. NASA ký hợp đồng với Boeing và Lockheed Martin để chế tạo tên lửa Space Launch System và tàu vũ trụ Orion.
Ngoài ra, cả SpaceX và Blue Origin đều nghiên cứu sản xuất tàu vũ trụ có thể đưa con người và hàng hóa lên Mặt Trăng. Giám đốc NASA nhận định cơ quan này có thể hiện thực hóa các mục tiêu Mặt Trăng với chi phí chưa đến 20 tỷ USD bởi "các nhà cung cấp đang cạnh tranh quyết liệt về chi phí và công nghệ".
Theo NASA, chương trình Apollo kéo dài 14 năm đã tạo nên những bước ngoặt về công nghệ và sản phẩm, gián tiếp mang về cho nước Mỹ hàng trăm tỷ USD từ xuất khẩu.