Vùng phát thải thấp ở Hà Nội: Không phải 'cây đũa thần' có thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm

Vùng phát thải thấp được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội, nhưng theo các chuyên gia, đây không phải là 'cây đũa thần' có thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm. Cần có những giải pháp đồng bộ và sự tham gia của cộng đồng để đạt hiệu quả bền vững.

Tại Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 21/1, thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Hà Nội thời gian qua, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.

 Không khí Hà Nội luôn trong tình trạng ngột ngạt mỗi dịp hanh khô, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.

Không khí Hà Nội luôn trong tình trạng ngột ngạt mỗi dịp hanh khô, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.

Ngoài ra, theo bà bà Lưu Thị Thanh Chi, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông hơn so với những thời gian khác trong năm khiến chất lượng không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông.

Số liệu thống kê cho thấy, quý IV năm 2024, tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%.

Đây cũng là thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe người dân chiếm nhiều hơn so với cả năm.

Vì vậy, Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Đây là bước đột phá của Hà Nội, cũng như cả nước nhằm phát triển giao thông xanh - sạch - thuận tiện - chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Vùng phát thải thấp bước đầu sẽ được thí điểm tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Đây là hai quận có mật độ dân cư đông và đang có những nền móng để phát triển vùng phát thải thấp.

Bà Trịnh Thị Minh Phương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho rằng khó khăn và thuận lợi khi triển khai vùng phát thải thấp của quận Hoàn Kiếm và Ba Đình là tương đồng nhau. Quận Hoàn Kiếm đang khảo sát các giải pháp và mong muốn sớm nhận được hướng dẫn từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Quá trình thực hiện, theo bà Phương, sẽ gặp một số khó khăn liên quan phần lớn đến ý thức người dân. "Do cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa được kết nối đồng nhất nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện vùng phát thải thấp. Quận Hoàn Kiếm đang đề xuất mở rộng phố đi bộ để giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân; mở rộng hệ thống xe điện chạy xuyên toàn quận để góp phần cải thiện chất lượng không khí", bà Phương cho hay.

Còn ông Nguyễn Cương Quyết, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình, cho rằng cần kiên trì nâng cao nhận thức của người dân, nếu chỉ có lý thuyết thì rất khó.

Theo ông Quyết, quận Ba Đình đã đề xuất lập đề án thực hiện, tránh loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Trong đó, dự kiến sẽ lựa chọn các phố đi bộ ở đảo ngọc Ngũ Xã, hồ Ngọc Khánh, Phạm Huy Thông để thí điểm...

 Ông Hoàng Dương Tùng. Ảnh: Tiền Phong

Ông Hoàng Dương Tùng. Ảnh: Tiền Phong

Chia sẻ về giải pháp để triển khai thành công vùng phát thải thấp, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, vùng phát thải thấp không phải "cây đũa thần", chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước, ví dụ tại châu Âu đã có hơn 300 vùng phát thải thấp.

Qua nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm tại các thành phố trên thế giới, kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai. Nhưng phải nhấn mạnh rằng việc thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, thiết kế đúng và hành động đúng. Không có mô hình nào chung cho việc thực hiện các vùng phát thải thấp, mặc dù đều có mục đích chung là giảm thiểu ô nhiễm.

Theo ông Tùng, trước mắt, cần xây dựng hệ thống tài liệu chi tiết để quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có định hướng lập đề án, chứ không phải loay hoay đi tìm. Đặc biệt, các giải pháp phải đi trước hành động theo cơ chế win - win.

"Ví dụ, như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, xây dựng các trụ sạc điện trong hai quận như thế nào, giảm giá giao thông công cộng, phát triển các hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện. Ngoài ra, cần phải chú ý đến các vấn đề liên quận để tăng cường năng lực thực hiện", ông Tùng chia sẻ.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, giao thông xanh là thực sự cần thiết để đảm bảo tiến trình phát triển bền vững.

"Cơ chế chính sách, khung pháp lý chung đã được hình thành, giờ phải thực hành nó. Qua các bài học thí điểm của Hà Nội thực hành, rồi mới biết nó hổng ở đâu, người dân, doanh nghiệp, chính quyền được hưởng lợi gì? Từ đó phân tích thiếu hụt trong hệ thống chính sách, đang thiếu gì để tất cả đều “win”. Do đó phải hành động ngay, bắt đầu ngay", bà Ánh nói.

Bà Ánh cũng cho hay, Quốc hội, Chính phủ đã đưa kiểm soát không khí vào chương trình giám sát của Quốc hội; Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT xây dựng đề án về xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị, đơn vị dự kiến trình vào quý 3/2025.

>>>Xem thêm: Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng, Hà Nội sẽ phun nước rửa đường trở lại

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vung-phat-thai-thap-o-ha-noi-khong-phai-cay-dua-than-co-the-giai-quyet-triet-de-van-de-o-nhiem-post331364.html