NASA tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên mặt trăng Europa của Sao Mộc

NASA đã phóng tàu vũ trụ Europa Clipper tới Europa, mặt trăng của Sao Mộc, để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, trong hệ Mặt Trời.

Ngày 14/10, tàu vũ trụ Europa Clipper đã được phóng thành công từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, vào lúc 12 giờ 6 phút (giờ địa phương), sử dụng tên lửa SpaceX Falcon Heavy.

Europa Clipper đã tách thành công khỏi tầng thứ 2 của tên lửa khoảng 1 giờ sau khi bay. (Nguồn: NASA)

Vụ phóng ban đầu được lên lịch ngày 10/10 nhưng bị hoãn lại do bão Milton. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, Europa Clipper đã trở lại bệ phóng. 1 giờ 10 phút sau khi phóng, NASA xác nhận đã nhận tín hiệu từ tàu vũ trụ, khẳng định mọi hệ thống hoạt động ổn định. 3 giờ sau, các tấm pin mặt trời của Clipper cũng đã được triển khai, cung cấp năng lượng cho cả hành trình.

Europa Clipper là tàu vũ trụ đầu tiên của NASA được thiết kế riêng để nghiên cứu mặt trăng Europa của Sao Mộc, nơi có thể ẩn chứa một đại dương ngầm dưới lớp băng dày. Mục tiêu của sứ mệnh này là trả lời câu hỏi liệu Europa có thể hỗ trợ sự sống hay không.

Jenny Kampmeier, kỹ sư hệ thống tại Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực của NASA chia sẻ: "Đây là bước khởi đầu của một cuộc hành trình khám phá. Nếu Europa thực sự là một thế giới có thể sinh sống, những phát hiện từ đây sẽ thay đổi cách chúng ta hiểu về vị trí của mình trong vũ trụ".

Nghiên cứu đại dương ngầm của Europa

Europa Clipper mang theo 9 thiết bị khoa học cùng 1 thí nghiệm trọng lực để nghiên cứu lớp đại dương bên dưới băng. Theo ước tính, lượng nước lỏng dưới lớp băng của Europa có thể gấp đôi lượng nước của toàn bộ đại dương trên Trái Đất.

Hình ảnh động này mô tả tàu vũ trụ Clipper của NASA bay ngang qua vệ tinh Europa của Sao Mộc. (Nguồn: NASA)

Clipper sẽ khám phá nhiều yếu tố của Europa, từ cấu tạo lõi, đại dương ngầm, đến bầu khí quyển mỏng và các hiện tượng bí ẩn xung quanh. Một trong những thiết bị sẽ xác định độ dày của lớp băng và cách nó tương tác với đại dương bên dưới.

Robert Pappalardo, nhà khoa học của dự án cho biết: "Các thiết bị này sẽ cùng nhau giải đáp những câu hỏi quan trọng nhất về Europa. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động của hành tinh này và khả năng hỗ trợ sự sống của nó".

Ngoài các thiết bị khoa học, tàu còn mang theo hơn 2,6 triệu tên do mọi người từ khắp nơi trên thế giới gửi đến, cùng một bài thơ của nhà thơ Ada Limón, Mỹ.

Sứ mệnh này, với chi phí 5,2 tỷ USD, đã được lên kế hoạch từ năm 2013 và gặp không ít thách thức trong quá trình chuẩn bị. Các kỹ sư ban đầu lo ngại tàu vũ trụ sẽ không chịu được bức xạ khắc nghiệt từ Sao Mộc. Nhưng sau các thử nghiệm nghiêm ngặt, tàu đã được phê duyệt và sẵn sàng phóng vào tháng 9 vừa qua.

Curt Niebur, nhà khoa học thuộc chương trình Europa Clipper nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để chúng ta khám phá không chỉ một thế giới có khả năng sinh sống từ hàng tỷ năm trước, mà còn là một nơi có thể hỗ trợ sự sống ngay bây giờ".

Hành trình dài đến Europa

Europa Clipper sẽ vượt qua quãng đường 1,8 tỷ dặm (2,9 tỷ km), dự kiến đến Sao Mộc vào tháng 4/2030. Trong hành trình, tàu sẽ bay ngang qua Sao Hỏa và Trái Đất để tận dụng lực hấp dẫn của hai hành tinh này, giúp tiết kiệm nhiên liệu và tăng tốc.

Clipper sẽ phối hợp với tàu Juice của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), được phóng vào năm 2023, để nghiên cứu Sao Mộc và các mặt trăng lớn nhất của nó. Với chiều dài 30,5 mét, Europa Clipper là tàu vũ trụ lớn nhất mà NASA từng chế tạo cho một sứ mệnh nghiên cứu hành tinh.

Mặc dù Europa Clipper không được thiết kế để tìm kiếm sự sống trực tiếp, nhưng các thiết bị trên tàu sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng để xác định liệu các điều kiện trên Europa có đủ để hỗ trợ sự sống hay không. Các nhà khoa học tin rằng mặt trăng này có thể đáp ứng đủ 3 yếu tố cần thiết cho sự sống: nước, năng lượng và các hợp chất hóa học quan trọng.

Clipper sẽ sử dụng nhiều thiết bị tiên tiến, bao gồm máy ảnh và máy quang phổ, để chụp ảnh và tạo bản đồ bề mặt, nghiên cứu băng và đại dương của Europa. Radar xuyên băng sẽ giúp xác định độ dày của lớp băng và tìm kiếm bằng chứng về đại dương ngầm.

Haje Korth, phó dự án cho biết: "Dữ liệu từ các thiết bị sẽ cho chúng ta biết liệu Europa có đủ điều kiện để duy trì sự sống hay không".

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng Europa Clipper sẽ mở đường cho các sứ mệnh tương lai, có thể thăm dò sâu hơn về tiềm năng của sự sống ngoài Trái Đất.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nasa-tim-kiem-dau-hieu-su-song-tren-mat-trang-europa-cua-sao-moc-169241015081141209.htm