NASA và công cuộc tìm kiếm sự sống trên thiên thể Europa

NASA dự kiến sẽ phóng tàu nghiên cứu vũ trụ Europa Clipper trong thời gian sắp tới. Tàu sẽ thực hiện chuyến hành trình dài tới vệ tinh Europa của Mộc Tinh để thăm dò khả năng có sự sống ở thiên thể băng giá này.

Hình ảnh mô phỏng tàu Europa Clipper bay bên trên thiên thể Europa. (Nguồn: NASA)

Hình ảnh mô phỏng tàu Europa Clipper bay bên trên thiên thể Europa. (Nguồn: NASA)

Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thông báo hoãn triển khai nhiệm vụ phóng tàu Europa Clipper để đề phòng ảnh hưởng của bão Milton.

Ban đầu, Europa Clipper dự kiến được phóng vào ngày 10/10 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Mỹ). NASA sẽ quyết định lại thời điểm phóng tàu Europa Clipper, từ nay tới ngày 6/11.

Europa Clipper là tàu vũ trụ thám hiểm lớn nhất mà NASA từng chế tạo, tàu dài 30,48m và rộng 17,67m, nặng khoảng 6 tấn. Con tàu sẽ có hành trình dài tới 2,8 tỷ km trong vũ trụ để đến với thiên thể Europa.

Là vệ tinh lớn thứ 4 trong số 95 vệ tinh của Mộc Tinh, Europa có đường kính 3.100 km, bề mặt có nhiều vết nứt và vỉa đá, có rất ít hố thiên thạch. Bề mặt của Europa khiến các nhà khoa học NASA tin rằng bên dưới lớp ngoài cùng là một lớp nước, và rất có thể trong đại dương ngầm này đang ẩn giấu sự sống ngoài Trái đất mà chúng ta đang tìm kiếm. Nhiệt năng sản sinh ra do ma sát giữa các lớp vật chất của Europa đủ để giữ cho nó luôn đủ ấm để không bị đóng băng và duy trì những hoạt động địa chất ở lớp vỏ ngoài.

Hiện nay, giới nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn được là có một đại dương nước nằm dưới bề mặt đóng băng của Europa hay không. Nhưng các nhà khoa học của NASA tin rằng, vệ tinh này có một đại dương nước mặn bên dưới lớp vỏ băng giá của nó.

Cơ quan của Mỹ cho biết, nhiệm vụ của tàu Europa Clipper nhằm mục đích trả lời câu hỏi: "Europa có chứa một đại dương bên dưới lớp băng hay không, đại dương đó sâu như thế nào, thành phần hóa học của nó có thân thiện với các dạng sống hay không?".

Trên bề mặt của Europa luôn bị bắn phá bởi các tia bức xạ từ vũ trụ nên không thể có sự sống. Nhưng giới khoa học hy vọng ở phía dưới lớp băng dày trên bề mặt thiên thể này, có thể có sự sống trong lớp nước bên dưới.

Thông qua những chuyến bay ngang qua thiên thể băng giá này, NASA dự kiến tàu Europa Clipper sẽ quan sát những khu vực có thể tồn tại sự sống dưới lớp băng.

Con tàu mang theo các dụng cụ, gồm một camera góc rộng để nghiên cứu hoạt động địa chất, hệ thống chụp ảnh nhiệt để đo kết cấu bề mặt và phát hiện các vùng ấm hơn trên bề mặt, một máy quang phổ để xem xét thành phần hóa học của khí và bề mặt Europa cũng như phát hiện bất kỳ dòng nước nào xuất hiện trên bề mặt. Tàu cũng có các công cụ để lập bản đồ bề mặt Europa.

Các thiết bị khác sẽ đo độ sâu và nồng độ muối của đại dương tại Europa cũng như độ dày của lớp vỏ băng của thiên thể này. Máy quang phổ khối sẽ phân tích các chất khí trong bầu khí quyển mỏng của Europa. Bằng cách kiểm tra vật chất trong các luồng khí, có thể hiểu được điều gì ẩn giấu bên trong các đại dương dưới băng của Europa.

Dự kiến Europa Clipper sẽ mất hơn 5 năm để đến được với Europa. Nhưng hãy kiên nhẫn, vì đây là một cơ hội thú vị để nhân loại tiến một bước gần hơn tới việc tìm kiếm sự sống bên ngoài hành tinh quê hương của chúng ta.

(tổng hợp)

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nasa-va-cong-cuoc-tim-kiem-su-song-tren-thien-the-europa-289301.html