Nasdaq lần đầu tiên chinh phục thành công mốc 17.000 điểm

Chỉ số Nasdaq vượt ngưỡng 17.000 điểm lần đầu tiên vào phiên 28/5, được thúc đẩy nhờ cổ phiếu Nvidia. Trong khi đó, S&P 500 đóng cửa tăng nhẹ và Dow Jones kết thúc ở mức thấp hơn…

Kết thúc phiên 28/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 216,73 điểm (-0,55%) xuống 38.852,86 điểm, S&P 500 nhích nhẹ 1,32 điểm (+0,02%) thành 5.306,04 điểm và Nasdaq Composite tăng 99,09 điểm (+0,59%) lên 17.019,88 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, công nghệ là ngành có mức tăng dẫn đầu trong khi chăm sóc sức khỏe và công nghiệp chứng kiến đà giảm mạnh nhất.

Chỉ số bán dẫn PHLX tăng 1,9% sau khi cổ phiếu Nvidia leo 7% và thúc đẩy các đồng nghiệp ngành chip khác.

Cổ phiếu Apple phục hồi khi doanh số bán iPhone tại Trung Quốc trong tháng 4 ghi nhận mức tăng 52% so với một năm trước đó, tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu ngành cho thấy. Tuy nhiên, cổ phiếu này có phần “đuối sức” vào cuối phiên và chỉ đóng cửa ở mức cao hơn một chút là 189,99 USD/cổ phiếu.

GameStop “phi mã” 25,2% và đóng cửa ở mức 23,78 USD/cổ phiếu. Vào cuối tuần trước, nhà bán lẻ trò chơi điện tử cho biết họ đã huy động được 933 triệu USD thông qua việc bán 45 triệu cổ phiếu như một phần của đợt chào bán theo giá thị trường (at-the-market offering - loại hình chào bán chứng khoán mà công ty có thể phát hành và bán cổ phiếu mới trực tiếp ra thị trường chứng khoán với giá bán theo giá thị trường hiện tại, thay vì đặt giá cố định trước).

Cổ phiếu Hess kết thúc phiên tăng 0,4% trong khi Chevron tăng 0,8% sau khi các cổ đông công ty chấp thuận thương vụ sáp nhập trị giá 53 tỷ USD với Chevron. Exxon Mobil tăng 1,3%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,91 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,32 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Phố Wall đã có xu hướng giảm điểm trong phiên giao dịch buổi chiều khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần.

Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu của LPL Financial cho biết: “Thị trường không muốn thấy lợi suất tăng lên... đến mức có thể đe dọa nền kinh tế và người tiêu dùng, đồng thời cản trở thời gian nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này, được cho là có thể làm thay đổi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed. Báo cáo Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi tháng 4 sẽ được công bố vào Thứ Sáu.

Phố Wall gần đây đã đạt kỷ lục khi các nhà đầu tư đặt cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nhưng kỳ vọng về thời điểm chính xác đã có nhiều thay đổi khi các nhà hoạch định chính sách tỏ ra thận trọng hơn vì các dữ liệu gần đây vẫn phản ánh sự dai dẳng của lạm phát.

Theo CME FedWatch Tool, các thị trường đặt cược 50% khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11 và tháng 12 trong khi khả năng cắt giảm vào tháng 9 đã giảm xuống khoảng 46%.

Lĩnh vực bán lẻ cũng sẽ là tâm điểm trong tuần này, với một số doanh nghiệp lớn như Dollar General, Advance Auto Parts và Best Buy sẽ công bố kết quả thu nhập.

GIÁ DẦU ĐI LÊN

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào 28/5 do kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ duy trì hạn chế nguồn cung dầu thô tại cuộc họp ngày 2/6 tới.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,12 USD, tương đương 1,4% ở mức 84,22 USD/thùng. Dầu thô WTI đóng cửa ở mức 79,83 USD/thùng, tăng 2,11 USD, tương đương 2,7%.

Đối với cuộc họp trực tuyến của các thành viên OPEC+ sắp diễn ra vào Chủ nhật, giới phân tích dự đoán rằng mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sẽ được giữ nguyên.

“Chúng tôi cho rằng OPEC+ sẽ gia hạn mức cắt giảm hiện tại thêm ít nhất ba tháng nữa tại cuộc họp sắp tới”, các nhà phân tích của UBS cho biết trong một ghi chú.

Diễn biến tăng giá trong ngày còn được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD và thời điểm mùa lái xe cao điểm ở Mỹ đã chính thức bắt đầu, theo nhận xét của đại diện công ty nghiên cứu Ritterbusch and Associates.

Những lo ngại về lãi suất của Mỹ đã góp phần khiến giá dầu thô giảm mạnh vào tuần trước. Trong đó, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí vay, điều này có thể làm giảm hoạt động kinh tế và nhu cầu về dầu.

BITCOIN XUỐNG MỐC 68.000 USD

Trên thị trường tiền điện tử, giá Bitcoin có xu hướng giảm nhẹ trong khi đà tăng của Ether cũng đã hạ nhiệt khi các nhà đầu tư chuẩn bị đón các báo cáo lạm phát quan trọng trong tuần này.

Bitcoin hạ 0,5% xuống còn 68.289,3 USD. Ether giảm 0,4% xuống 3.899,26 USD, rút lui khỏi mức cao nhất trong hai tháng đạt được vào cuối tuần.

Sự hào hứng xung quanh việc các quỹ ETF Ether được phê duyệt cũng đã phần nào giảm bớt. Tâm lý đối với tiền điện tử và các tài sản định hướng rủi ro khác đã bị ảnh hưởng do ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng Fed vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cao hiện tại trong thời gian dài hơn. Một loạt quan chức từ ngân hàng trung ương gần đây đã cảnh báo rằng họ cần có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm dần về mức mục tiêu 2% trước khi đưa ra bất kỳ đợt cắt giảm nào.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nasdaq-lan-dau-tien-chinh-phuc-thanh-cong-moc-17000-diem-post552417.html