Nát tay do sử dụng máy ép nước mía
Trong lúc bật máy nước mía đang hoạt động, người phụ nữ trẻ sơ ý để bàn tay cuốn vào máy ép, dẫn đến dập nát, đứt rời cẳng tay và bàn tay trái.
Ngày 14/6, Khoa phẫu thuật chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết mới tiếp nhận trường hợp chị Đ.T.T (29 tuổi, Quảng Ninh) bị đứt rời cẳng tay và bàn tay trái do máy ép mía.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn, chảy máu nhiều, sưng nề; đứt gần hoàn toàn 1/3 giữa cẳng tay trái; đứt gần rời hai ngón tay. Các bác sĩ kịp thời phẫu thuật, trồng nối cẳng tay, bàn tay và phần mềm cho chị T.
Chị T đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện 108 sau tai nạn với máy ép nước mía.
Đây không phải lần đầu các cơ sở y tế tiếp nhận các vụ tai nạn vì máy ép nước mía. Thông thường, nguyên nhân dẫn đến tai nạn máy ép mía là do lau chùi, vệ sinh máy móc mà quên không tắt nguồn điện, để tay bị cuốn vào máy.
Ngoài ra, một số trường hợp do mất tập trung trong quá trình ép mía, cố đẩy mía vào; Do đứng gần hệ thống ép rồi bị vướng vào và không ít ca là trẻ em nghịch ngợm thò tay vào mà không để ý.
Đã từng có trường hợp bé gái 13 tuổi bị máy ép nước mía lưu động cuốn mái tóc dài, kéo văng cả vùng da đầu. Hay trường hợp bé trai 13 tuổi ở Hải Dương bị tổn thương “cậu nhỏ” khi đứng gần máy ép nước mía đang hoạt động do quần bị quấn vào máy.
Sơ cứu và bảo quản chi thể đứt rời đúng cách
TS.BS Nguyễn Việt Nam, Chủ nhiệm khoa phẫu thuật chi trên và vi phẫu thuật (Bệnh viện 108), khuyến cáo người dân khi tiếp xúc, sử dụng máy ép nước mía phải rất thận trọng, cần tập trung, không chủ quan.
BS Nam cũng nói thêm, trong trường hợp xảy ra tai nạn, người bệnh và người nhà người bệnh cần chú ý một số hướng dẫn cách sơ cứu và bảo quản chi thể đứt rời như sau:
- Rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch;
- Tiến hành cầm máu cho vết thương: Băng ép, băng chèn cầm máu đối với tai nạn đứt lìa ngón tay hoặc ngón chân.
- Đối với tổn thương đứt rời cổ - bàn tay, cẳng tay, cánh tay hoặc các đứt rời cẳng chân, cổ - bàn chân thì cần garo cầm máu hoặc nếu sơ cứu tại cơ cở y tế có điều kiện thì buộc thắt mạch cầm máu để tránh mất máu.
- Dùng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch băng vết thương.
Việc bảo quản chi thể cần tiến hành đúng cách.
Nếu chi thể bị đứt rời hoàn toàn, đặt chi thể trong 1 túi nilon, buộc kín lại để nước không thấm vào. Đặt túi nilon vào một thùng hoặc 1 túi khác chứa 2/3 nước và 1/3 đá. Không để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá.
Nếu phần chi còn dính lại một phần trên cơ thể (gân, cơ, thần kinh, cầu da…) thì tuyệt đối không được cắt rời phần chi này ra khỏi cơ thể cần rửa sạch chi bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch, dùng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch băng vết thương.
Cố định chi thể ở tư thế chức năng. Đặt túi nước đá lạnh ở bên cạnh để đảm bảo giữ nhiệt độ lạnh cho chi, không đặt trực tiếp đá lạnh lên vết thương.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nat-tay-do-su-dung-may-ep-nuoc-mia-2030146.html