NATO cấp tốc phòng bị 'Hành lang Suwalki' khi căng thẳng leo thang
Hành lang Suwalki từ lâu vẫn được xem là một điểm yếu lớn trong thế trận phòng thủ của NATO khi rất dễ bị Nga cắt đứt trong trường hợp nổ ra chiến sự.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nỗ lực và khẩn trương tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ Hành lang Suwalki (Suwalki Gap) khi căng thẳng với Nga ngày càng leo thang.

Hành lang Suwalki một dải đất hẹp có vị trí chiến lược quan trọng trên biên giới giữa Lithuania và Ba Lan, đây được coi là một trong những địa điểm dễ bị tổn thương nhất ở sườn phía Đông của NATO.

Theo thông tin mới nhất, Lithuania đã bắt đầu thiết lập một tuyến vận tải mới nhằm có thể nhanh chóng đưa vũ khí và binh sĩ từ Ba Lan ra điểm nóng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ khu vực, sẵn sàng phản ứng trước mọi động thái của Nga.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lithuania - ông Tomas Godliauskas nhấn mạnh, việc các quốc gia đồng minh củng cố hệ thống phòng thủ dọc theo Hành lang Suwalki nhằm mục đích ngăn chặn khả năng bị tập kích bất ngờ.

Bước đi trên được đưa ra sau khi xem xét những tuyên bố được Moskva đưa ra liên tục thời gian gần đây về tầm quan trọng chiến lược của đoạn hành lang này trong việc kết nối vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad với Belarus.

Hành lang Suwalki là một dải đất hẹp với chiều dài khoảng 100 km, được bao quanh bởi vùng đất tách biệt Kaliningrad của Nga ở phía Tây và Belarus ở phía Đông, khu vực này vẫn là tuyến đường bộ duy nhất nối các quốc gia vùng Baltic với phần còn lại của châu Âu.

Một phần của kế hoạch tăng cường phòng thủ chính là việc một trong hai tuyến đường chính giữa Lithuania và Ba Lan sẽ được chuyển đổi cho mục đích quân sự, điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cơ động trang thiết bị hạng nặng và quân nhân ra tiền tuyến khi hữu sự.

Trong khi đó tuyến đường thứ hai hiện đã đi vào hoạt động theo chế độ lưỡng dụng, khi phục vụ cho cả hoạt động dân sự và quân sự nhằm tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Dự kiến các trạm kiểm soát, rào chắn bê tông và thiết bị an ninh bổ sung sẽ được Lithuania lắp đặt dọc đường biên giới giáp Kaliningrad và Belarus để tăng cường kiểm soát lãnh thổ, theo Thứ trưởng Godliauskas, đây sẽ là biện pháp ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng.

Lithuania và Ba Lan hiện đang có những bước đi cụ thể nhất, ngay từ tháng 6/2024, họ cùng với Latvia và Estonia đã yêu cầu Liên minh châu Âu tài trợ cho một “tuyến phòng thủ” dọc biên giới giáp Nga và Belarus trị giá 2,5 tỷ euro.

Ba Lan còn khởi động dự án Lá chắn phía Đông để củng cố biên giới giáp Kaliningrad, trong khi Lithuania vào tháng 10/2024 đã chặn và gia cố cây cầu bắc qua sông Neman - nối đất nước này với vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga.

Trong thời gian tới, thậm chí Ba Lan còn muốn nhận được "chiếc ô hạt nhân" của cả Mỹ và Pháp, sau khi Điện Kremlin cho biết đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.