Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) có những lằn ranh đỏ riêng mà Nga không được phép vượt qua. Nhận xét trên do chuyên gia phân tích của tờ National Interest (NI) - nhà báo Barry Given đưa ra.
Cho dù các nước phương Tây muốn hay không, Nga đã vạch ra một đường ranh giới đỏ xung quanh vấn đề Ukraine, trong đó tồn tại sự kết nối bởi các khía cạnh liên quan đến lịch sử, văn hóa cũng như tôn giáo.
Chuyên gia Barry Given chỉ ra rằng rất ít người Mỹ hiểu được lịch sử phức tạp giữa Nga và Ukraine đến mức đủ khả năng lập luận thành thạo về nó. Dù vậy, Moskva đã đánh dấu những ranh giới đỏ của riêng mình.
"Tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải là người duy nhất có thể vẽ ra những đường ranh giới màu đỏ", người phụ trách chuyên mục của tờ National Interest cho biết.
Theo ý kiến của ông Given, Mỹ cùng với các đối tác NATO có những điều kiện riêng của họ, trong đó có một số hành vi vi phạm sẽ bị coi là vượt qua ranh giới không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ.
Nhiều người nghĩ rằng việc Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm hạt nhân hay hóa học trên chiến trường Ukraine có thể là một giọt nước tràn ly, nhưng chuyên gia Barry Given chắc chắn rằng không phải như vậy.
Theo quan điểm của ông Given, Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không mạo hiểm bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba chỉ vì một quốc gia bên ngoài NATO, cho nên sẽ không có hành động đáp trả nào xảy ra ở Ukraine.
Thậm chí ngay cả kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hay gây ra sự hủy diệt hoàn toàn đối với Kyiv cũng sẽ không phải là lằn ranh đỏ cuối cùng đối với NATO mà chính quyền Moskva không được phép vượt qua.
Lằn ranh đỏ của phương Tây không liên quan gì đến Ukraine, chúng chỉ áp dụng cho các thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Cuộc tấn công chống lại họ là ranh giới cuối cùng mà NATO không thể tiếp tục chịu đựng.
Nhà báo Barry Given giải thích: “Bất kỳ hành động quân sự nào của Nga nhằm chống lại Ba Lan hoặc các nước cộng hòa vùng Baltic từng thuộc Liên Xô chắc chắn sẽ dẫn đến một phản ứng thống nhất và đầy đủ từ NATO".
Chuyên gia phân tích của tạp chí National Interest nhấn mạnh: "Phương Tây nên nói rõ với Nga rằng họ sẽ chiến đấu để bảo toàn vị thế của NATO, ngay cả khi điều này dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện".
“Đây chính là là lằn ranh đỏ của chúng tôi mà Nga không được phép vượt qua nếu không muốn nhận lại những phản ứng mạnh nhất”, tác giả bài viết trên tờ NI nhấn mạnh, đồng thời bình luận rằng Nga hiểu và sẽ tránh để diễn ra kịch bản như vậy.
Tuy nhiên theo các chuyên gia chính trị Trung Quốc đến từ tờ Baijiahao, không nhất thiết các nước trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ vội vàng bảo vệ thành viên của mình, kể cả xảy ra trường hợp chiến tranh với Nga.
Lý do là bởi có một sắc thái trong điều lệ NATO mà Mỹ và các quốc gia khác có thể sử dụng để không phải gửi binh sĩ của họ đến đối đầu với Lực lượng vũ trang Nga, đơn cử như nước đó mang quân đi tấn công vào lãnh thổ Nga.
Bạch Dương