Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby hôm 10/3 đưa tin, Mỹ đã bác bỏ rõ ràng đề xuất chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine; lý do là việc chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine, có thể được hiểu là hành động “leo thang” giao tranh.
Theo thông tin của tờ AP đưa từ Warsaw vào ngày 8/3, đây là lần “hiếm hoi” thể hiện sự bất hòa giữa các đồng minh NATO về vấn đề Ukraine. Một mặt, NATO tìm cách “bơm” máy bay chiến đấu cho Ukraine để đối đầu Nga, mặt khác để tránh tham gia vào một cuộc chiến lớn hơn với Nga.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, trước đó Ba Lan đã đề xuất chuyển các máy bay chiến đấu MiG-29 định viện trợ cho Ukraine, tới Căn cứ Không quân Ramstein, của quân đội Mỹ tại Đức.
Việc máy bay chiến đấu cất cánh từ lãnh thổ NATO bay vào Ukraine, đã làm tăng khả năng đáng báo động về máy bay chiến đấu cất cánh từ các căn cứ không quân của Mỹ và NATO, vào không phận mà Nga đang tranh chấp với Ukraine.
Ông Kirby nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi không nghĩ rằng đề xuất của Ba Lan là có thể thực hiện được”. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, thông báo của Ba Lan là một điều bất ngờ, khi “giao những chiếc máy bay này cho chúng tôi, mà không hỏi ý kiến chúng tôi trước”.
Quyết định công khai về kế hoạch của Ba Lan được đưa ra một ngày trước khi Phó Tổng thống Mỹ Harris dự định lên đường tới Warsaw. Sự ngắt kết nối này có thể tạo thêm cảm giác “khó xử” cho cuộc họp.
Thông tin cho biết, nếu 28 máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất, được bàn giao cho Ukraine, điều đó cho thấy phương Tây quyết tâm làm nhiều hơn nữa để kiềm chế hành động của Nga tại Ukraine.
Nhưng về mặt quân sự, điều này khó có thể thay đổi được tình hình hiện tại. Số lượng máy bay tương đối ít và MiG-29 về tính năng hoàn toàn thua kém các máy bay chiến đấu tiên tiến hơn của Nga; khiến chúng dễ dàng trở thành con mồi cho máy bay và tên lửa Nga.
Ngoài ra, theo bản tin của Reuters từ Warsaw ngày 9/3, sau khi Mỹ bác bỏ đề nghị chuyển giao máy bay chiến đấu của Ba Lan cho Ukraine, một cố vấn của Tổng thống Ba Lan cho biết, việc Ba Lan cung cấp máy bay MiG-29 cho Ukraine, sẽ chỉ được thực hiện trong khuôn khổ của NATO.
Cố vấn của Tổng thống Ba Lan cho biết: “Mỹ không muốn những máy bay chiến đấu phản lực này bay từ các căn cứ của Mỹ đến Ukraine, nhưng Ba Lan sẽ chỉ hành động trong khuôn khổ của NATO”.
Còn theo tờ AFP từ Paris ngày 8/3 cho biết, trước sự “xâm lược” của Nga, Ukraine đã tăng cường kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay quân sự. Tuy nhiên, việc nhanh chóng cung cấp máy bay chiến đấu cho phía Ukraine, sẽ là một động thái cực kỳ bất thường và nguy hiểm.
Không quân Ukraine hiện được biên chế các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 có từ thời Liên Xô, được sử dụng trong không chiến hoặc hỗ trợ lực lượng mặt đất; cũng như một số máy bay cường kích mặt đất như Su-25.
Những máy bay chiến đấu có nguồn gốc Liên Xô là loại máy bay duy nhất, phi công Ukraine có thể bay ngay lập tức, mà không cần đào tạo thêm. Nhưng không đồng minh NATO, hoặc bạn bè châu Âu nào khác tỏ ra sẵn sàng can dự trực tiếp, điều Moscow coi là can thiệp trực tiếp.
Pháp hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Chúng ta phải ngăn chặn cuộc chiến này mà không tự mình trở thành một bên tham chiến”. Chính vì vậy, NATO kiên quyết không thiết lập vùng cấm bay đối với Ukraine, bất chấp yêu cầu của Kyiv nhiều lần.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Mỹ, khi Ukraine phải vật lộn để chống lại những bước tiến của Nga, chỉ một số ít cựu thành viên Hiệp ước Warsaw, vẫn còn sở hữu những chiếc MiG-29 hữu ích nhất cho Ukraine.
Theo báo cáo, Ba Lan hiện có 28 máy bay chiến đấu MiG-29 (mua từ Đức khoảng 20 năm trước với giá định danh 1 euro), Slovakia có 14 chiếc và Bulgaria có 11 chiếc.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong chuyến thăm Moldova vào ngày 6/3 cho biết, đang “tích cực” xem xét một thỏa thuận với Ba Lan, để cung cấp máy bay cho Ukraine. Truyền thông Mỹ đưa tin, đổi lại, Mỹ có thể cung cấp cho Ba Lan máy bay chiến đấu F-16.
Nhưng Ba Lan có thể không nhận được những chiếc F-16 thay thế này từ Mỹ ngay lập tức; điều đó có nghĩa là Không quân Ba Lan có thể thấy mình không đủ lực lượng, khi giao tranh ác liệt đã gần đến biên giới Ba Lan. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Warsaw dường như không muốn mạo hiểm chọc giận Nga.
Một câu hỏi hóc búa khác, đó là ngay cả khi Ukraine có thể có được những chiếc máy bay thời Liên Xô, thì việc đưa chúng đến Ukraine cũng rất khó khăn.
Một phi công chiến đấu người Pháp giấu tên cho biết: “Để giao một chiếc máy bay, nó cần phải được bay đến quốc gia tiếp nhận, điều này có thể hiểu là NATO đang tham gia tích cực vào cuộc xung đột”.
Về lý thuyết, các máy bay có thể được vận chuyển bằng đường bộ, nhưng một đội vận tải như vậy đòi hỏi phải có kế hoạch hậu cần khổng lồ; tuy nhiên việc này càng khó khăn hơn, do việc phá hủy một số cây cầu quan trọng ở Ukraine trong hai tuần qua.
Ngoài ra, các quan chức phương Tây hiện không chắc chắn về tình trạng hiện tại của các căn cứ quân sự Ukraine, có khả năng triển khai được số máy bay MiG-29 này nữa hay không và khả năng của Ukraine trong việc bảo dưỡng, sửa chữa máy bay khi xung đột lan rộng. Nguồn ảnh: TH.
Tiến Minh