Một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn như Nga vừa thực hiện tại Ukraine có thể "đè bẹp" ngay cả NATO.
Một phân tích đặc biệt về phản ứng của Không quân Ukraine và mức độ khó khăn trong việc đẩy lùi một cuộc tấn công tương tự đã được trang Defense 24 của Ba Lan đưa ra, trong đó họ nêu 4 yếu tố khiến rất khó vô hiệu hóa cuộc tập kích như vậy.
Trước hết là số lượng tên lửa cùng máy bay không người lái cảm tử được huy động là quá lớn, dẫn đến quá tải cho hệ thống phòng thủ. Thực tế là mỗi tổ hợp phòng không chỉ có thể bắn trả số lượng nhỏ mục tiêu cùng một lúc.
Ví dụ, hệ thống phòng không Osa chỉ có thể tấn công mục tiêu và hướng tối đa 2 tên lửa vào đối tượng đó. Có nghĩa là nếu xuất hiện 2 mục tiêu thì một trong số chúng có thể không bị đánh chặn.
Yếu tố quan trọng thứ hai là bản chất của các mục tiêu - tên lửa hành trình, máy bay không người lái cảm tử và tên lửa đạn đạo. Để tiêu diệt thành công một quả đạn như Iskander thì cần phải có những tổ hợp chống tên lửa chuyên dụng.
Nhưng tên lửa hành trình là một mục tiêu phức tạp khi chúng bay rất thấp và cơ động, có thể qua mặt các radar kiểm soát và những địa điểm triển khai tên lửa phòng không.
Đặc biệt, hệ thống phòng không chỉ có tối đa 2 phút để bắn trả, khoảng thời gian quá ngắn để đưa ra phản ứng phù hợp.
Lý do là bởi vì đường chân trời vô tuyến điện tử nên mục tiêu như tên lửa hành trình được phát hiện ở tối đa 47 km, thông số trên thậm chí chỉ đạt được khi tên lửa duy trì độ cao 100 m và radar được lắp đặt trên tháp cao tối thiểu 10 mét.
Yếu tố thứ 3 gây khó khăn cho lực lượng vũ trang Ukraine là các hệ thống tên lửa phòng không sản xuất từ thời Liên Xô. Tức là tuổi trung bình của vũ khí đã hơn 30 năm.
Trên thực tế, các đồng minh đã chuyển giao cho Ukraine các hệ thống phòng không như Gepard, Stormer HVM, cũng như một số lượng đáng kể MANPADS. Nhưng phạm vi hoạt động của chúng không cho phép đạt được hiệu quả trong cuộc chiến chống lại tên lửa hành trình.
Yếu tố thứ tư là để tránh bị tiêu diệt, các phương tiện phòng không của Ukraine phải thường xuyên vận động gây khó khăn cho khả năng phòng thủ.
Điều này cũng có nghĩa là không phải tất cả các lực lượng hiện có, vốn đã khá hạn chế, đã ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Ấn phẩm Defense 24 cũng so sánh kinh nghiệm tại Ukraine với những gì các nước NATO hiện có. Tất nhiên, để đẩy lùi một đòn tấn công tương tự thì toàn bộ hàng không của Liên minh sẽ phải tham gia và nhờ các máy bay AWACS chỉ thị đối tượng để tiêu diệt.
Bên cạnh tên lửa phòng không, cũng phải lưu ý rằng để vô hiệu hóa trận tập kích dữ dội như vậy, cần phải có một số lượng máy bay thích hợp đang duy trì trực chiến trên không tại thời điểm xảy ra cuộc tập kích tên lửa.
Ở đây trang Defense 24 cho rằng số lượng hệ thống tên lửa phòng không đang triển khai ở châu Âu còn lâu mới đủ.
Khi tất cả các hệ thống phòng không hoạt động cùng nhau và toàn bộ mọi công cụ giám sát không phận được tích hợp vào một mạng trao đổi thông tin thì mới tạo ra sức mạnh và khả năng đánh chặn hiệu quả cao.
Nhưng trong mọi trường hợp, cần nhấn mạnh lực lượng phòng không trên bộ hiện tại của Ukraine "có thể được coi là mạnh hơn so với các nước NATO phát triển nhất châu Âu, bao gồm cả Ba Lan".
Do vậy ngoài lực lượng tác chiến hỗn hợp giữa những quốc gia đồng minh, từng quân đội các nước NATO cũng phải chú trong hiện đại hóa năng lực phòng thủ của mình cả về số lượng lẫn chất lượng.
Việt Dũng