NATO lên kịch bản bí mật trong tình huống đụng độ trực tiếp với Nga
Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, một kế hoạch được thiết lập, mô tả chi tiết kịch bản cách NATO sẽ phản ứng trong một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
NATO đã chuẩn bị một kế hoạch bí mật trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga, chuyên gia tư vấn độc lập về an ninh con người và kiểm soát vũ khí Ian Davis viết trên tờ Responsible Statecraft.
Theo ông Davis, hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius, Litva sẽ được yêu cầu thông qua “kế hoạch quân sự bí mật dài hàng nghìn trang”, trong đó lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh mô tả chi tiết kịch bản cách liên minh sẽ phản ứng với một cuộc tấn công của Nga.
Tác giả bài báo lưu ý, các đại diện quân sự thường trực tại trụ sở của NATO ở Brussels và các quan chức khác của khối đã chuẩn bị tài liệu này một cách bí mật mà không có bất kỳ nghiên cứu sơ bộ nào từ phía các nhà lập pháp và chuyên gia độc lập.
“Khi NATO gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine thì sự thiếu minh bạch trong công việc của khối đặc trưng cho quá trình lập kế hoạch quân sự dài hạn trong liên minh đang tạo ra vấn đề nghiêm trọng đối với việc giám sát mang tính dân chủ.”, chuyên gia Davis nhận xét.
Tác giả dẫn lời Tổng Thư ký NATO Stoltenberg trong đó kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị, tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius sắp tới, nâng mức chi tiêu quân sự của liên minh để đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch quân sự này.
Các quốc gia thành viên NATO dự kiến sẽ đồng ý với một cam kết đầu tư quốc phòng mới, với 2% GDP là mức tối thiểu cần đạt được, thay vì là mức trần.
Một “Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng của NATO” mới cũng nằm trong chương trình nghị sự, với mục đích thiết lập một đường hướng để tăng năng lực sản xuất và chế tạo thiết bị quân sự, cùng với việc nâng cấp lực lượng và hậu cần.
Cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu ở Ukraine dường như đã thúc đẩy NATO thay đổi quan điểm, với nhận thức việc phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi một cuộc xung đột với một đối thủ nặng ký có thể nổ ra.
Ngày 10/5, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cảnh báo, không phải NATO mà chính đối thủ quyết định “thời gian biểu” hành động, bởi vậy các quốc gia liên minh phải chuẩn bị cho thực tế là xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô của Litva sẽ được tổ chức vào ngày 11-12/7.
Nga nhiều lần lưu ý NATO hướng tới mục đích đối đầu với Moscow và tỏ ý lo ngại về việc liên minh gia tăng lực lượng ở châu Âu.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhiều lần nhấn mạnh, việc mở rộng hơn nữa khối này sẽ không mang lại an ninh lớn hơn cho khu vực. Trong khi đó Nga vẫn sẵn sàng đối thoại, nhưng sẽ không bỏ qua những hành động có khả năng gây nguy hiểm cho lợi ích của mình.