NATO mạnh thế nào và tại sao căng thẳng với Nga?

c thành lập vào năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện có 30 thành viên và ngân sách 1,56 tỷ euro.

Các thành viên của liên minh quân sự mạnh nhất thế giới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vừa gặp nhau tại Brussels, Bỉ hôm thứ Tư để thảo luận về việc Nga xây dựng quân đội dọc biên giới Ukraine.

Mỹ và Ukraine cho biết Nga đã triển khai ước tính 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine trong những tháng gần đây, 8 năm sau khi nước này sát nhập Bán đảo Crimea từ nước láng giềng.

Tiếp theo đàm phán NATO-Nga sẽ có thêm các cuộc đàm phán giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) tại Vienna, Áo vào hôm thứ Năm, 13/1.

Vậy, những tổ chức này là gì và họ làm gì?

Các thành viên của NATO, OSCE và EU

NATO bao gồm 30 quốc gia. Vai trò chính của họ là bảo vệ các quốc gia thành viên bằng các biện pháp chính trị và quân sự. Liên minh cho phép các thành viên châu Âu và Bắc Mỹ thảo luận về những lo ngại về an ninh.

Tất cả các thành viên NATO cũng là một phần của OSCE.

57 quốc gia thành viên OSCE trải dài khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Đây là cơ quan an ninh khu vực lớn nhất và là diễn đàn thảo luận về các vấn đề an ninh như kiểm soát vũ khí và “khủng bố”.

Có 6 thành viên Liên minh châu Âu (EU), tổ chức có 27 quốc gia, không phải là thành viên NATO. Đó là Áo, Síp, Phần Lan, Ireland, Malta và Thụy Điển.

Lịch sử và mở rộng NATO

NATO được thành lập vào năm 1949 bởi 12 quốc gia thành viên: Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh và Mỹ. Mục đích ban đầu của tổ chức chính là hạn chế sự mở rộng của Liên Xô và khuyến khích hội nhập chính trị ở châu Âu.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tìm kiếm sự đảm bảo từ NATO rằng tổ chức này sẽ ngừng mở rộng và chấm dứt hợp tác quân sự với Ukraine và Gruzia. Trước đó vào năm 2004, có tới 7 quốc gia Đông Âu đã gia nhập NATO cùng một lúc.

NATO cho phép kết nạp các thành viên mới bằng sự đồng thuận. Trong số những quốc gia tham gia vào năm 2004, trừ Slovenia, tất cả đều là một phần của Hiệp ước Warsaw - một hiệp ước quốc phòng được tạo ra vào năm 1955 bởi Liên Xô và 7 quốc gia vệ tinh.

Năm 2020, Bắc Macedonia trở thành thành viên mới nhất của hiệp ước. Sau đó, Bosnia & Herzegovina, Gruzia và Ukraine đã nêu nguyện vọng gia nhập NATO.

Hoạt động quân sự của NATO

Điều 5 của hiệp ước NATO nêu rõ nguyên tắc bảo vệ tập thể là cốt lõi của tổ chức này. Điều khoản này có nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên còn lại.

Các hoạt động quân sự của NATO bắt đầu bằng chiến dịch phong tỏa hải quân và đường không trong cuộc chiến tranh Bosnia kéo dài từ năm 1992 đến 1995.

Năm 1999, NATO phát động một chiến dịch không kích buộc nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic rút lực lượng của mình ra khỏi Kosovo và chấm dứt xung đột ở đó.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York, NATO viện dẫn Điều 5 và tham gia cùng các lực lượng Mỹ và Vương quốc Anh để chống lại Taliban ở Afghanistan. Trong cuộc chiến kéo dài 20 năm, 50 quốc gia NATO và đồng minh khác của Mỹ đã đóng góp lực lượng cho các sứ mệnh này. Đỉnh điểm là vào năm 2011, gần 140.000 lực lượng Mỹ và đồng minh đã có mặt trên đất Afghanistan.

Chi tiêu quân sự của NATO

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), vào năm 2020, Mỹ đã chi 778 tỷ USD cho quân đội - quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, chiếm 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong số các thành viên NATO, Anh là quốc gia chi tiêu quân sự cao thứ hai với 59,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 2,2% GDP. Đặc biệt, Iceland không có quân đội riêng và do đó chi phí quân sự của nước này là bằng 0.

Ngân sách NATO

Vào năm 2022, ngân sách quân sự của NATO được đặt ở mức 1,77 tỷ USD. Các nước thành viên đóng góp vào ngân sách dựa trên công thức chia sẻ chi phí dựa trên tổng thu nhập quốc dân của mỗi nước.

Mỹ và Đức đều đóng góp tỷ lệ cao nhất như nhau, tổng cộng lên hơn 30% ngân sách của cả khối NATO.

Hoàng Anh (theo Aljazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nato-manh-the-nao-va-tai-sao-cang-thang-voi-nga-post177183.html