NATO nâng cấp hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu: Mở màn cuộc đua vũ khí mới?
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 13-8 thông báo đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên đất liền tại căn cứ Deveselu ở Romania.
Không chỉ là phòng thủ
NATO cho biết chương trình nâng cấp được thực hiện trên toàn hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, nhưng không cung cấp khả năng tấn công cho hệ thống phòng thủ tên lửa này của Romania. Chương trình cập nhật là một phần của Phương pháp tiếp cận thích ứng theo giai đoạn ở châu Âu (EPAA) đối với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, được Mỹ công bố năm 2009. EPAA sử dụng năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo để bảo vệ châu Âu trước những mối đe dọa từ bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Trong quá trình cập nhật, NATO đã tạm thời triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ Deveselu và hiện việc nâng cấp đã hoàn tất.
Trong khi đó, tại Ba Lan, Mỹ, đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bộ (AABMDS) mới nhất tại thị trấn Redzikowo, miền Tây Bắc quốc gia Đông Âu và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Hệ thống phòng thủ tên lửa trên bờ của lực lượng hải quân Ba Lan cũng là kết quả của sáng kiến EPAA. Địa điểm triển khai AABMDS tại Redzikowo là giai đoạn III của EPAA. AABMDS ở Ba Lan có thể mở rộng khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ, dân thường và lực lượng của NATO trước những mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Hệ thống được thiết kế để phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương bằng tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 (SM-3).
Dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa đang triển khai ở Đông Âu không nhằm vào Nga, mà là các nguy cơ đến từ bên ngoài khu vực. Nhưng một số quan chức quân sự Mỹ và NATO tiết lộ với tờ New York Times rằng, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đang tiến hành các nghiên cứu sơ bộ để nâng cấp các hệ thống Aegis Ashore với mục tiêu là ngăn chặn các dòng tên lửa hiện đại của Nga trong tương lai.
Nga không ngồi yên
Sự kiện nâng cấp lá chắn tên lửa tại Đông Âu đang đe dọa tới an ninh chiến lược của Nga. Chính vì điều này, dù sẵn sàng đàm phán với Mỹ về khả năng mở rộng hoặc ký mới Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới, Moscow cũng đang tăng cường tiềm lực răn đe chiến lược với kế hoạch tái sắp xếp và nâng cấp bộ ba hạt nhân hiện có.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc Mỹ, NATO triển khai hệ thống Aegis Ashore tại Romania sẽ buộc quân đội Nga phải đưa địa điểm triển khai lá chắn tên lửa vào tầm bắn và nó sẽ là mục tiêu ưu tiên trong trường hợp xung đột xảy ra. Nhiều năm qua, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ cố gắng triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu có thể làm suy yếu, thậm chí phá vỡ sự ổn định chiến lược tại lục địa già. Theo giới chức quân sự Nga, một điểm đáng chú ý là hệ thống Aegis Ashore của Mỹ triển khai tại châu Âu sử dụng các giếng phóng Mk-41 có tính lưỡng dụng. Chúng vừa có thể chứa đạn tên lửa đánh chặn, nhưng cũng có thể mang tên lửa hành trình Tomahawk trang bị đầu đạn hạt nhân với tầm bắn tới 2.000km. Từ các vị trí triển khai tại Romania và Ba Lan, các hệ thống Aegis Ashore hoàn toàn có khả năng thực hiện các đòn tấn công chiến lược nhằm vào phần lãnh thổ phía Tây của nước Nga.
Dự kiến, việc tái trang bị bộ ba hạt nhân của Nga sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2020. Khả năng răn đe hạt nhân của Nga sẽ có bước tiến mới để đảm bảo nhiệm vụ phòng thủ đất nước và bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa tiềm tàng mới trong tương lai. Theo TASS, với sự ra mắt của tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới RS-24 Yars có khả năng mang theo 6 đầu đạn có sức công phá 300 Kilotone, tự cơ động quỹ đạo, RS-24 Yars có thể khiến chiến lược phát triển lá chắn tên lửa của Mỹ trở nên tốn kém vô ích.