NATO tăng cường lực lượng trước thềm hội nghị thượng đỉnh
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO thường niên ở Madrid (từ 28 đến 30/6), người đứng đầu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã công bố kế hoạch tăng cường lực lượng phản ứng nhanh và củng cố sườn phía đông của mình.
"Chúng tôi sẽ chuyển đổi lực lượng phản ứng của NATO và tăng lực lượng phản ứng nhanh của chúng tôi lên hơn 300.000 người", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên tại Brussels hôm thứ Hai (27/6), như một phần của điều mà ông gọi là "cuộc đại tu lớn nhất về khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của liên minh kể từ khi Chiến tranh lạnh".
NATO sẽ tăng lực lượng phản ứng nhanh lên hơn 300.000 quân. Ảnh: PA
Bình luận của ông được đưa ra một ngày trước khi liên minh quân sự lớn nhất thế giới triệu tập tại Madrid cho Hội nghị thượng đỉnh NATO hàng năm. Cuộc họp năm nay sẽ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khiến NATO quan tâm đến việc bảo đảm các biên giới của mình, đặc biệt là dọc theo biên giới phía đông với Nga.
Kể từ khi giao tranh bắt đầu, NATO đã triển khai hơn 40.000 quân dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình chủ yếu ở sườn phía đông. Theo ông Stoltenberg, việc tăng cường sẽ giúp liên minh quân sự này phản ứng trong các cuộc khủng hoảng với "khả năng triển khai tốt hơn".
Roland Freudenstein, nhà phân tích an ninh và phó chủ tịch của GLOBSEC, cho biết củng cố toàn bộ sườn phía đông của liên minh là một bước quan trọng đối với NATO.
NATO cũng muốn tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng tập thể bên cạnh việc tăng cường hiện diện quân sự. Theo cam kết năm 2006 của các thành viên liên minh, mỗi quốc gia NATO phải dành 2% GDP của mình cho quốc phòng.
Người đứng đầu NATO cũng nhấn mạnh rằng liên minh này mong muốn tìm ra các giải pháp để giải quyết căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển và Phần Lan. Sau nhiều thập kỷ giữ thái độ trung lập về quân sự, Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố rằng những căng thẳng an ninh hiện tại với Nga khiến nhu cầu phải gia nhập NATO là rất quan trọng.
Tuy nhiên, quá trình gia nhập của họ đã bị trì hoãn sau sự phản đối của thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara tuyên bố rằng hai nước Bắc Âu có quan hệ với các nhóm người Kurd như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đơn vị Phòng vệ Nhân dân Syria (YPG), mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "khủng bố".
Các quan chức của Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau để thảo luận về các giải pháp giải quyết những khác biệt của họ đối với các tuyên bố của Ankara. Các cuộc đối thoại tiếp theo giữa ba quốc gia dự kiến sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid.
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cũng sẽ thể hiện cứng rắn lập trường của liên minh đối với Trung Quốc, với lý do Bắc Kinh có quan hệ chặt chẽ với Nga và các mối đe dọa đối với các khu vực khác ở châu Á. “Trung Quốc đang công khai chống lại trật tự quốc tế”, ông Stoltenberg nói trong một sự kiện do hãng truyền thông Politico tổ chức ở Brussels vào tuần trước.
Mai Vân (theo DW)