Các đơn vị tác chiến của NATO đóng quân gần Ukraine theo thông báo đã bắt đầu tiến về phía biên giới Transnistria, gây ra áp lực cực lớn lên phe ly khai và "lính gìn giữ hòa bình Nga" đóng tại đây.
Đây không chỉ là nỗ lực nhằm sắp xếp cuộc phong tỏa nước Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian tự xưng, mà còn về việc thực hiện một cuộc tấn công vào Transnistria, bởi vì Liên minh rõ ràng có lợi thế về số lượng ở khu vực này.
Báo chí tại Moskva bình luận, NATO đang cố gắng tạo ra một cái bẫy nguy hiểm cho Nga bằng cách mở thêm một mặt trận và biết rõ rằng tại địa điểm nói trên, Nga sẽ không thể nhanh chóng phản ứng với tình hình đang leo thang.
"Tin tức cho thấy một nhóm chiến đấu mới của NATO sẽ được triển khai ở Romania, rõ ràng liên minh sẽ cố gắng tạo ra một mặt trận bổ sung cho Nga, với việc tạo áp lực áp lực quân sự lên Transnistria", trang Reporter nói rõ.
Đây là động thái cực kỳ đáng quan tâm, bởi trước đó NATO chưa từng cho thấy họ có ý định gây áp lực quân sự trực tiếp lên vùng lãnh thổ ly khai này.
Trước diễn biến trên, các chuyên gia Nga lưu ý rằng căng thẳng gia tăng ở khu vực Transnistria chỉ có thể làm leo thang xung đột giữa Moskva và NATO trên phạm vi toàn châu Âu.
Transnistria là một vùng đất thuộc Moldova, sau khi quốc gia này độc lập khỏi Liên Xô thì lãnh thổ trên cũng muốn trở thành đất nước riêng biệt, dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.
Hiện tại chưa quốc gia nào công nhận vùng đất Transnistria, tuy nhiên Nga lại "ủng hộ quy chế đặc biệt" của lãnh thổ này và đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của mình tới đóng tại đây, nhưng vừa qua đã có diễn biến mới đáng quan tâm.
Tổng thống Maia Sundu tuyên bố: "Quân đội Nga đang hiện diện bất hợp pháp ở Transnistria, Moldova chưa từng có thỏa thuận nào cho phép Moskva hiện diện quân sự. Quan điểm của chúng tôi là Nga phải rút toàn bộ binh sĩ về nước và giải giáp toàn bộ số vũ khí triển khai tại đây".
Thậm chí đã bắt đầu xuất hiện tiếng nói về một chiến dịch quân sự chung được Moldova, Romania và Ukraine phối hợp thực hiện nhằm vào Transnistria và có thể còn có sự hỗ trợ của NATO.
Vấn đề nữa cần lưu ý đó là nhóm tác chiến của lực lượng vũ trang Transnistria (OGRV) có khoảng 1.000 quân nhân và cư dân trong vùng đất này chủ yếu là những người có quốc tịch Nga.
Tuy nhiên Transnistria lại là một dải đất cực kỳ dài và hẹp dọc theo sông Dniester, kẹp giữa Moldova và Ukraine, đoạn rộng nhất không quá 26 km, hoàn toàn không có lối thoát ra biển.
Chính quyền tự xưng tại Tiraspol có thể chịu được đòn tấn công từ bờ phải sông Dniester và cầm cự được một thời gian. Tuy nhiên họ sẽ không thể thực hiện cuộc tổng động viên và tổ chức phòng thủ vành đai nếu Ukraine và NATO tham gia xung đột.
Đồng thời Nga không thể gửi quân tiếp viện tới Transnistria, vì Kiev sẽ không cho phép máy bay Nga đi qua không phận của họ. Do đó OGRV và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga trong khu vực thực tế không có cơ hội trụ vững và việc họ bị đánh bại là không thể tránh khỏi.
Mặc dù vậy, Nga vẫn cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực nào tấn công vào "lực lượng gìn giữ hòa bình" của họ đều sẽ bị trả đũa mạnh mẽ, nhưng thông qua biện pháp nào thì vẫn chưa rõ.
Bạch Dương