NATO triển khai lực lượng phản ứng nhanh, tăng khả năng phòng thủ

Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự của Nga tại sân bay quân sự ở Chuguyev, gần Kharkiv, ngày 24/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 25/2 thông báo liên minh này đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên NATO triển khai lực lượng này.

Phát biểu sau một cuộc gặp trực tuyến của giới lãnh đạo NATO, ông Stoltenberg cho biết: “Hôm qua (ngày 24/2), các đồng minh đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ và theo đó, chúng tôi đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO trên bộ, trên biển và trên không nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó nhanh với bất kỳ tình huống bất ngờ nào.

Chúng tôi có hơn 100 chiến đấu cơ đang trong tình trạng báo động cao, hoạt động ở hơn 30 vị trí khác nhau và hơn 120 tàu từ phía Bắc đến Địa Trung Hải”. Theo Tổng Thư ký Stoltenberg, động thái trên của NATO nhằm ngăn chặn nguy cơ những cuộc giao tranh tại Ukraine hiện nay có thể "tràn sang các quốc gia đồng minh của NATO". Tuy nhiên, ông không đề cập cụ thể lực lượng phản ứng nhanh của NATO được triển khai đến những khu vực nào.

Được thành lập vào năm 2003, lực lượng phản ứng nhanh của NATO hiện có 40.000 quân nhân, trong đó bao gồm lực lượng 8.000 binh sĩ luôn ở trạng thái sẵn sàng cao và những binh sĩ phụ trách chiến dịch đặc biệt, trên không và trên biển có thể được triển khai trong vài ngày.

Cũng trong ngày 25/2, người phát ngôn của Nhà Trắng John Kirby cho biết quân đội Mỹ đang đồn trú tại châu Âu sẽ được bổ sung thêm 7.000 binh sĩ trong tuần này, với điểm đến cụ thể là Đức, nhằm hỗ trợ NATO củng cố năng lực quân sự ở châu Âu.

Trong khi đó, Tham mưu trưởng Lục quân Pháp Thierry Burkhard cũng thông báo nước này sẽ triển khai 500 quân nhân cùng xe bọc thép đến Romania (khu vực giáp với Ukraine) để tham gia cùng các lực lượng NATO. Ngoài ra, Pháp cũng sẽ duy trì 200-250 binh sĩ cùng xe bọc thép ở Estonia, giáp biên giới với Nga.

Liên quan những diễn biến mới nhất tại Ukraine, hãng thông tấn Interfax của Nga sáng 26/2 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã chiếm được TP Melitopol thuộc vùng Zaporizhzhya, Đông Nam Ukraine. Theo bộ trên, quân đội Nga đã sử dụng máy bay và tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và máy bay để tấn công các mục tiêu quân sự Ukraine.

Trong khi đó, cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Myhailo Podoliak cho biết trong sáng 26/2, lực lượng Nga đã tìm cách chuyển tối đa thiết bị quân sự vào Kiev, song tình hình ở ngoại ô và khu vực lân cận đang được kiểm soát.

Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Hungary ngày 25/2 cho biết nước này đã đề xuất trở thành quốc gia trung gian trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine liên quan tình hình căng thẳng hiện nay. Theo Ngoại trưởng Peter Szijjarto, ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - ông Andriy Yermak - bàn về vấn đề này.

Trong một video được đăng trên Facebook, Ngoại trưởng Peter Szijjarto nêu rõ thủ đô Budapest của Hungary "là một địa điểm an toàn cho cả hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine." Ông đồng thời cho biết cả Moscow và Kiev "đều không từ chối (đề xuất này), cả hai đều bày tỏ sự cảm ơn và đang xem xét lời đề nghị" của Hungary.

Ngoại trưởng Peter Szijjarto hy vọng rằng "trong vài giờ hoặc vài ngày tới các bên sẽ đạt được sự nhất trí về việc xúc tiến các cuộc đàm phán”. Hungary là nước thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quốc gia này cũng có mối quan hệ song phương tốt đẹp với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh, trước đó cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã sẵn sàng cử một phái đoàn của Nga tới Belarus để đàm phán với Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ Moscow "không có ý định chiếm đóng Ukraine", đồng thời khẳng định luôn sẵn sàng đối thoại với điều kiện lực lượng vũ trang của Ukraine "giải giáp vũ khí".

Mặc dù vậy, Mỹ đã ngay lập tức bác bỏ đề nghị này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu quan điểm của Washington rằng những đề xuất đàm phán trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra không phải là "con đường ngoại giao thực sự”.

Trong một diễn biến liên quan, Mỹ ngày 25/2 tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Nga Lavrov, liên quan tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine. Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, lệnh cấm đi lại sẽ một phần trong các biện pháp trừng phạt này.

Trước đó, EU, Anh và Canada cũng thông báo về các lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào Nga. Riêng tại EU, đây đã là gói trừng phạt thứ hai đối với Nga được thông qua trong tuần này.

Các lệnh trừng phạt trên tác động đến lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời hạn chế khả năng công dân Nga lưu trữ lượng lớn tiền mặt trong các ngân hàng tại EU. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng nối dài danh sách các công dân Nga bị cấm nhập cảnh và bị phong tỏa tài sản ở EU.

Đáp lại những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các lệnh trừng phạt trên "là minh chứng về sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại" của phương Tây, đồng thời cảnh báo rằng sự việc "đã gần tới mức không thể quay lại như lúc đầu".

Hội đồng châu Âu ngày 25/2 thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này liên quan chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ theo điều 8 Quy chế của cơ quan này, đa số đại diện thường trực của 47 quốc gia thành viên đã "nhất trí đình chỉ quyền đóng góp đại diện của Liên bang Nga tại Hội đồng châu Âu".

Thông báo trên được Hội đồng châu Âu đưa ra sau một cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Strasbourg (Pháp). Theo tuần báo Der Spiegel (Đức), Azerbaijan đã không tham gia bỏ phiếu, trong Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu trắng, còn Nga và Armenia bỏ phiếu phản đối quyết định này.

Quyết định trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trong đó bao gồm cả quyền góp mặt của Nga tại Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE). Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) - cũng là một thực thể thuộc Hội đồng châu Âu - vẫn được bảo toàn. Theo đó, thẩm phán Nga vẫn là thành viên của ECHR và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được tòa án này xem xét và quyết định.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Việc đình chỉ không phải là biện pháp cuối cùng mà chỉ là giải pháp tạm thời, theo đó vẫn để ngỏ các kênh đối thoại”. Điều 8 trong Quy chế của Hội đồng châu Âu cho phép cơ quan này đình chỉ quyền đại diện và sau đó có thể khai trừ một nước thành viên.

Nga là thành viên của Hội đồng châu Âu từ năm 1996. Trước đó, hồi tháng 4/2014, PACE đã phê chuẩn các nghị quyết đình chỉ quyền biểu quyết của phái đoàn Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.

Đáp lại, Nga chủ động rút khỏi PACE vào cuối năm 2015 và sau đó ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của Hội đồng châu Âu. Tư cách thành viên của Nga tại cơ quan này đã được khôi phục hoàn toàn vào năm 2019, dưới vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271343/nato-trien-khai-luc-luong-phan-ung-nhanh-tang-kha-nang-phong-thu.html