NATO tuyên bố căn cứ phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Ba Lan sẵn sàng trực chiến

Căn cứ phòng không mới của Mỹ đặt tại miền Bắc Ba Lan, được thiết kế để phát hiện và đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và là một bộ phận trong lá chắn tên lửa của NATO.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Washington, Mỹ hôm 10/7, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg nói, việc căn cứ này sẵn sàng hoạt động là một bước quan trọng đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo ngày càng tăng.

“Là một liên minh phòng thủ, chúng tôi không thể bỏ qua mối đe dọa đó. Phòng thủ tên lửa là một yếu tố thiết yếu trong nhiệm vụ phòng thủ tập thể cốt lõi của NATO.”, ông Stoltenberg nói, lưu ý tên lửa đạn đạo đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

Theo NATO, hệ thống tên lửa Aegis Ashore được đặt tại thị trấn Redzikowo, miền bắc Ba Lan và có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung.

Lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO có mục đích bảo vệ công dân, lãnh thổ và các lực lượng châu Âu trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

 Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg tổ chức họp báo tại hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm 75 năm thành lập NATO tại Washington, Mỹ, ngày 10/7. Ảnh: Reuters/Nathan Howard.

Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg tổ chức họp báo tại hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm 75 năm thành lập NATO tại Washington, Mỹ, ngày 10/7. Ảnh: Reuters/Nathan Howard.

Các thành phần quan trọng khác của lá chắn bao gồm đơn vị Aegis Ashore thứ hai ở Romania, cùng với các tàu khu trục của hải quân Mỹ đóng tại cảng Rota của Tây Ban Nha và một radar cảnh báo sớm đặt tại thị trấn Kurecik của Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO lưu ý, Aegis Ashore hoàn toàn mang tính chất phòng thủ. Có khoảng 200 quân nhân đóng quân tại hai địa điểm đánh chặn ở Ba Lan và Romania, trong đó, căn cứ ở thị trấn Deveselu của Romania hoạt động từ năm 2016.

Tin liên quan, ngày 10/7, Phát biểu tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết một gói hỗ trợ lớn cho Ukraine sẽ được công bố trong vài ngày tới nhằm xây dựng cầu nối rõ ràng và vững chắc cho Ukraine tiến đến gia nhập NATO.

Ông Blinken cũng thông báo, lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ chế tạo đã được Đan Mạch và Hà Lan chuyển giao cho Ukraine và sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa Hè này.

 Hình ảnh được cho là căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại Ba Lan. Ảnh: AFP.

Hình ảnh được cho là căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại Ba Lan. Ảnh: AFP.

“Tôi vui mừng thông báo rằng khi chúng ta đang thảo luận ở đây, việc chuyển giao máy bay phản lực F-16 đang diễn ra. Các máy bay đến từ Đan Mạch, đến từ Hà Lan sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa Hè này để đảm bảo Kyiv có thể tiếp tục tự vệ hiệu quả trước các cuộc tấn công của Nga.”, ông Blinken cho biết.

Tuyên bố chung của các lãnh đạo của Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan nói, chính phủ Đan Mạch và Hà Lan đang trong quá trình chuyển giao chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine, với sự hỗ trợ của Mỹ.

Đan Mạch đã cam kết tặng 19 máy bay phản lực cho Ukraine, trong khi Hà Lan hứa sẽ chuyển giao 24 máy bay.

Hôm 10/7, Na Uy cũng cho biết sẽ tặng 6 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine và việc chuyển giao dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay.

Hồi tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông muốn tăng gấp đôi năng lực phòng không của nước này trong mùa Hè và Kyiv cần thêm ít nhất 7 hệ thống Patriot bổ sung để tự phòng vệ.

Văn Phong/Reuters

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nato-tuyen-bo-can-cu-phong-thu-ten-lua-dan-dao-cua-my-o-ba-lan-san-sang-truc-chien-161068.html