NATO với bài toán thích ứng

Khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lập ra nhóm chuyên gia độc lập để tham vấn về Sáng kiến NATO 2030 trong khuôn khổ Thượng đỉnh G7 2021, một trong những câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao vai trò chính trị của khối? Có vẻ như trước những mối đe dọa và thách thức được cho là không ngừng phức tạp, đã khiến cho những người có trách nhiệm của tổ chức này đặt ra vấn đề trên.

Thế nhưng, xem ra không hẳn như vậy. Việc nâng cao vai trò chính trị của NATO chưa chắc đã củng cố tổ chức này, mà thay vào đó còn có nguy cơ làm suy yếu nó. Sự khác biệt về quan điểm giữa Mỹ và các nước châu Âu trong một số vấn đề có thể tác động tiêu cực đến sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương. Điều 4 của Hiệp ước NATO cho phép các quốc gia thành viên yêu cầu tham vấn về bất kỳ chủ đề nào liên quan đến lợi ích an ninh của nước mình.

Trong các cuộc tham vấn như vậy, các nước đồng minh thậm chí còn phải xem xét tình hình hiện tại có thể gây ra hậu quả gì đối với 3 nhiệm vụ cốt lõi của NATO là phòng thủ tập thể, xử lý khủng hoảng và quan hệ đối tác, vốn được xác định trong Khái niệm chiến lược NATO năm 2010. Nhưng, việc nâng cao vai trò chính trị của NATO được cho rằng sẽ là một sai lầm.

Câu tục ngữ “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” vẫn là phương châm tối ưu để duy trì sự gắn kết nội bộ của tổ chức này và củng cố vai trò thiết yếu của khối này trong việc đảm bảo an ninh cho các quốc gia thành viên.

Cuộc tập trận Steadfast Defender 2021 của NATO như một phương án tập dượt phòng thủ.

Cuộc tập trận Steadfast Defender 2021 của NATO như một phương án tập dượt phòng thủ.

Thế nhưng, nếu không trở thành một liên minh mang tính chính trị thì NATO sẽ phải làm gì? Thực tế là kể từ Hội nghị thượng đỉnh Wales năm 2014, NATO đã bắt tay vào việc điều chỉnh thế trận phòng thủ và răn đe của mình. Từng bị sao nhãng trong suốt hai thập niên do tập trung xử lý các cuộc khủng hoảng ở ngoài khu vực, việc xây dựng lại các năng lực quân sự thông thường hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất: Tăng cường Lực lượng phản ứng nhanh NATO (NRF) cũng như các lực lượng yểm trợ. NATO đã hồi sinh các khái niệm và học thuyết quân sự về phòng thủ tập thể và coi đây là trọng tâm của các chương trình huấn luyện và tập trận. Cuộc tập trận Steadfast Defender 2021 được tổ chức gần đây là một ví dụ điển hình.

Rõ ràng là không có chỗ cho sự tự mãn, khi mà hầu hết các thành viên NATO thuộc châu Âu vẫn chưa đảm bảo năng lực thiết yếu, nhất là lục quân. Các nhà hoạch định quốc phòng của khối cũng có chung quan điểm. Và Hà Lan hay một số nước Bắc Âu là những ví dụ. Trong các đánh giá về năng lực của NATO, các nước này luôn bị coi là không đủ lực lượng để tham gia hoạt động phòng thủ tập thể của các lực lượng trên bộ của NATO. Và, điều quan trọng hơn là chính bản thân các nước này không có ý định tăng cường năng lực đó.

Tuy nhiên, có luồng quan điểm cho rằng đòi hỏi như vậy là tư duy lỗi thời. Chiến tranh tương lai xoay quanh cuộc chiến kỹ thuật số, phá hủy mạng lưới chỉ huy và điều khiển của đối thủ và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh thông tin. Hỏa lực sẽ được thay thế bằng sức mạnh trên không gian mạng. Cuộc chạy đua công nghệ sẽ thay thế cuộc chạy đua vũ khí. Tất cả những điều này không có gì mới: Công nghệ luôn đi tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quân đội, từ súng trường đến súng máy, từ kỵ binh đến lính xe tăng và từ đạn đến tên lửa.

Quả thật, chiến tranh thông tin thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi công nghệ thế kỷ 21 giúp rút ngắn thời gian gây thiệt hại từ tính bằng ngày và giờ xuống còn tính bằng phút và giây. Việc lợi dụng không gian mạng có thể làm gián đoạn hành động của đối thủ hoặc gửi đi tín hiệu cảnh báo rằng tiếp tục gây hấn sẽ dẫn đến leo thang xung đột. Nhưng, rốt cuộc, các lực lượng vũ trang vẫn phải có khả năng ngăn chặn kẻ thù triển khai năng lực quân sự và trong trường hợp cần thiết là phá hủy các tài sản quan trọng của đối thủ trước khi hệ thống của mình bị tấn công. Điều này có nghĩa là lực lượng của các quốc gia thành viên vẫn cần có đủ cả 2 yếu tố: khả năng gây gián đoạn và năng lực phá hủy.

Điều đó có nghĩa là, các nước NATO phải đầu tư vào các công nghệ mới nhằm có khả năng gây gián đoạn (EDT) như là yếu tố then chốt trong hiện đại hóa quân sự. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các hệ thống không người lái và robot là điều không thể không nhắc đến. Các khoản đầu tư này được cho là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, công nghệ mới làm tăng nguy cơ leo thang xung đột mất kiểm soát trong thời kỳ khủng hoảng. Đến một thời điểm nào đó, trí tuệ nhân tạo và hệ thống vũ khí không người lái thiếu sự kiểm soát của con người sẽ gây ra một mối nguy hiểm mới và chưa từng có. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là phải khởi động các cuộc đàm phán quốc tế về các cơ chế cấm sản xuất và sử dụng vũ khí không có người điều khiển. Thứ hai, các nước không thể chỉ dựa vào EDT để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của mình mà vẫn cần phải đầu tư cho hỏa lực tấn công và chắc chắn phải lưu ý tới những thay đổi trong các điều kiện và công nghệ, như xu hướng kéo dài khoảng cách khai hỏa và rút ngắn quá trình ra quyết định.

Tính phức tạp của môi trường an ninh hiện tại và tương lai với sự xuất hiện của nhiều bên tham gia mới được cho là điều kiện để khiến NATO phải gia tăng nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc biến NATO thành một tổ chức chính trị và mở rộng hoạt động đồng nghĩa với việc tự gây rắc rối. Nó sẽ làm suy yếu sự gắn kết của liên minh, đưa NATO vào thế đối đầu với các cường quốc khác và thúc đẩy sự hợp tác quân sự đối lập. Có lẽ phát huy thế mạnh với tư cách là liên minh quân sự phòng vệ hiệu quả sẽ là một thành công hơn của NATO tại thời điểm này và trong tương lai.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nato-voi-bai-toan-thich-ung-646539/