NĐ 99 sửa đổi cần quy định trường hợp nào Bộ đình chỉ, giải thể trung tâm KĐCLGD
Chuyên gia kiến nghị, Dự thảo sửa đổi NĐ 99 cần quy định rõ những trường hợp Bộ GD có thể đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng GD.
Kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018) ra đời, “bộ mặt” tự chủ đại học ở nước ta đã có nhiều sự thay đổi và phát triển đáng kể. Tuy nhiên, thực tế triển khai tự chủ đại học vẫn còn nhiều bất cập cần được bàn bạc và điều chỉnh thêm để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến góp ý.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo đánh giá, dự thảo sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 99/2019 là cần thiết để tiếp tục tháo gỡ những bất cập hiện nay khi thực hiện Luật 34 và Nghị định 99/2019.
Dự thảo Nghị định 99 chưa giải quyết được những vướng mắc như kỳ vọng
Một trong những điểm mới của dự thảo là làm rõ cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng trường đại học công lập. Cụ thể, Dự thảo quy định “Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận Hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ”. Phó giáo sư Hảo đánh giá nội dung mới này về cơ bản chỉ làm rõ hơn những quy định đã có trong văn bản cũ:
“Tại điểm c của Khoản 6, Điều 7 của Nghị định 99/2019 đã khẳng định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận Hiệu trưởng trường đại học”. Vì vậy dự thảo cơ bản chỉ lặp lại nội dung này và có chi tiết hơn về các trường hợp đặc thù. Các nội dung chi tiết này là hợp lý và cần thiết”.
Tuy nhiên, với việc xác định thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng là cơ quan quản lý trực tiếp, có ý kiến lo ngại rằng điều này liệu sẽ làm giảm vai trò của Hội đồng trường; đồng thời khiến công việc của cơ sở giáo dục chịu sự can thiệp sâu của cơ quan quản lý trực tiếp, làm giảm đi quyền tự chủ của đơn vị, nhất là trong vấn đề tự chủ về bộ máy quản lý và nhân sự.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó giáo sư Hảo nhận định rằng trong bối cảnh chung hiện nay, việc giao quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng cho cơ quan quản lý trực tiếp sẽ có hiệu quả trong quản lý và điều phối tốt hơn so với Hội đồng trường.
“Chính sách phải căn cứ vào bức tranh chung chứ không thể dựa vào một số ít trường đang có Hội đồng trường làm việc hiệu quả. Một khi các Hội đồng trường hoạt động tốt hơn nhiều thì có thể điều chỉnh tiếp”, chuyên gia nêu ý kiến.
Một trong những điểm còn hạn chế trong hoạt động của Hội đồng trường hiện nay, theo Phó giáo sư Hảo là vấn đề liên quan tới vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, đặc biệt ở những đơn vị chưa nhất thể hóa 2 vị trí Chủ tịch Hội đồng trường và Bí thư đảng ủy.
Thầy Hảo phân tích: “Vai trò và tổ chức của Hội đồng trường đã được quy định rõ và tương đối đầy đủ tại Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019. Nhìn chung Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học đang dần phát huy đúng vị trí, vai trò. Một số nơi còn đang có phần lúng túng khi quyết định về Chiến lược và Kế hoạch phát triển, nhất là ở một số trường đang chưa nhất thể hóa 2 vị trí Chủ tịch Hội đồng trường và Bí thư đảng ủy”. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Hảo, Dự thảo sửa đổi lại chưa đề cập đến vấn đề này.
Thực tế, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc giữa mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Đảng ủy – Hội đồng trường – Ban Giám hiệu trong công tác quản trị đại học hiện nay. Tuy vậy, những thay đổi tại Dự thảo lần này chưa giải quyết được những vướng mắc trên theo kỳ vọng. Đây là nhận định của Giáo sư Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Vận cho rằng:
“Có thể ghi nhận những cố gắng của bản dự thảo trong việc tháo gỡ các vướng mắc khi thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Tuy vậy, Dự thảo chủ yếu mới chỉ quan tâm đến quy trình tổ chức bộ máy quản trị của Nhà trường trên nền tảng gỡ rối các vấn đề thành lập mới hoặc nhiệm kỳ mới của Hội đồng trường, mà chưa đi sâu vào giải quyết các mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng, giữa đại học và trường đại học trong công tác quản trị đại học nên chưa giải quyết được như kỳ vọng”.
Giáo sư Vận phân tích thêm: Những vướng mắc hiện nay chính là ở chỗ chưa phân biệt được trách nhiệm lập kế hoạch chiến lược, xây dựng chính sách ở cấp khái quát, mang tính định hướng của Hội đồng trường là cao hơn so với các quy định cụ thể về được phép làm những gì, không làm gì do hiệu trưởng ban hành.
Hội đồng trường chịu trách nhiệm xây dựng hệ sinh thái cho nhà trường đổi mới, đồng thời hiệu trưởng chịu trách nhiệm triển khai các đổi mới đó. Cả Hội đồng trường và Hiệu trưởng cần nhận thức được sự cấp bách phải thay đổi để phát triển trong bối cảnh mới và trách nhiệm của mỗi bên trong việc đổi mới nhà trường như vậy đã rõ ràng.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng trường chỉ được quyết định khi đã có ý kiến của đa số thành viên Hội đồng trường (theo quy định) trong khi Hiệu trưởng cần có sự quyết đoán và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Nhưng Hiệu trưởng phải thực hiện Nghị quyết của Hội đồng trường.
Dự thảo cần quy định rõ các trường hợp đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Ngoài ra, chia sẻ thêm ý kiến góp ý, đề xuất sửa đổi liên quan đến Nghị định 99, Phó giáo sư Hảo cho rằng cần quy định rõ thêm nội dung liên quan đến hoạt động của các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục. Cụ thể:
Khoản 4, Điều 52 của Luật 34/2018 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Để hoạt động của các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng hiệu quả và có chất lượng, Dự thảo cần quy định rõ những trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục".
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Thực tiễn giáo dục đại học ở Việt Nam và trên thế giới không ngừng chuyển biến, vì vậy Dự thảo nên bổ sung cơ chế thu thập định kỳ các thông tin liên quan để cập nhật, bổ sung cho các điều chỉnh trong tương lai”.