Né 'thương chiến', vốn Trung Quốc đang đổ bộ ngành lắp ráp Việt Nam
Dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tận dụng ở các ngành có giá trị gia tăng thấp, cụ thể là các ngành lắp ráp của Việt Nam để hưởng lợi thế và giá trị xuất khẩu khi mở cửa.
Đây là quan điểm và góc nhìn của tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia tại Tọa đàm "Thương chiến Mỹ - Trung Quốc và tác động đối với Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Quốc Gia Hà Nội tổ chức chiều qua (29/7) tại Hà Nội.
Theo ông Thắng, trước diễn biến của thương chiến Mỹ - Trung Quốc và cơ hội Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với EU trong EVFTA, với 10 nước phát triển trong CPTPP, các nhà đầu tư Trung Quốc kỳ vọng Việt Nam là điểm đầu tư tốt trong các ngành lắp ráp mang lại giá trị cao.
Theo ông Thắng, hiện các kỳ vọng đem về lợi thế xuất khẩu khi đầu tư vào Việt Nam khi Việt Nam tham gia vào EVFTA và CPTPP lớn hơn "thương chiến" Mỹ - Trung, điều này thúc đẩy quá trình chuyển vốn của Trung Quốc sang Việt Nam, còn việc chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do "thương chiến" là chưa có cơ sở khẳng định.
"Hiện vốn Trung Quốc bình quân hơn 250 triệu USD/dự án, tập trung chủ yếu vào ngành săm lốp và điện mặt trời. Nếu muốn xác định rõ vốn Trung Quốc vào cụ thể những ngành nào trong thời gian vừa qua thì phải xem danh mục đầu tư, điều này rất cần cho nghiên cứu", ông Thắng nói.
"Tôi cho rằng, nếu dịch chuyển tránh thuế thì lắp ráp là chủ yếu, họ mong muốn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam để xuất khẩu, để tận dụng những sự kém phát triển của các ngành này", TS Thắng nói.
Theo ông Thắng, việc Việt Nam tận dụng "thương chiến" Mỹ - Trung để nhập nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc chỉ đem lại chút lợi thế ít ỏi, không có tác dụng lâu dài đối với nền kinh tế, dễ dẫn đến nhiều nguy cơ, rủi ro khác nhau.
Ở góc nhìn khác, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay Trung Quốc thời gian tới khó có thể phá giá đồng tiền và bán tháo trái phiếu.
"Có hai yếu tố giúp Trung Quốc không phá giá đồng tiền đó là Mỹ đang đẩy Trung Quốc ra khỏi các lợi ích của nền kinh tế Mỹ; Mỹ muốn tách Trung Quốc ra khỏi hệ sinh thái của Mỹ và khiến cho nhà đầu tư cảm giác Trung Quốc cực kỳ rủi ro... Chính vì vậy, không ai dại gì đầu tư dài hạn", ông Thành nói.
TS Thành phân tích: Nếu bây giờ Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ sẽ kích hoạt quả bom nợ hàng nghìn tỷ USD hiện nay. Bên cạnh đó, ngân hàng Trung Quốc giữ không phá giá nhằm không biến doanh nghiệp thoát ly khỏi Trung Quốc.
Về lo lắng nguy cơ bán trái phiếu ồ ạt, theo ông Thành, Trung Quốc khó có khả năng bán ồ ạt trái phiếu mà nước này găm giữ bởi vì điều đó sẽ khiến đồng tiền của họ tăng giá, lợi thế trong cuộc chiến thương mại không còn.