'Ném đá' tập thể trên mạng xã hội: Thật đáng sợ!

Hoa hậu Ý Nhi không phải là nạn nhân đầu tiên của việc 'ném đá' trên mạng nhưng câu chuyện của cô được quan tâm tại diễn đàn Quốc hội vì trước đó đã có quá nhiều câu chuyện tương tự diễn ra.

Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ chiều 7-11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội tấn công. Đây không phải lần đầu câu chuyện này được xới lên.

Thời gian qua, có không ít nạn nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng đang phải chịu những cuộc "ném đá" trên không gian mạng. Thậm chí, có những người bị cộng đồng mạng tấn công dồn dập với những thông tin mà người tấn công đưa ra chưa được xác tín, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, nhân phẩm của nạn nhân.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Khuất Thu Hồng (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, xoay quanh vấn đề này.

“Sức hủy diệt của mạng xã hội thật là đáng sợ”

. Phóng viên: Quan sát mạng xã hội (MXH) và chứng kiến những tác động tiêu cực của nó lên cá nhân và cuộc sống, bà nhận thấy điều gì, thưa bà?

+ TS Khuất Thu Hồng (ảnh): Trong nhiều trường hợp, sức hủy diệt của MXH thật là đáng sợ. Bản thân nạn nhân sẽ cảm thấy uy tín của mình bị tàn phá, bị hủy diệt một cách nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng rất lớnđến đời sống cá nhân, đến danh dự, đến mọi thứ. Chẳng hạn như trường hợp của Hoa hậu Ý Nhi, cô ấy đã phải ra nước ngoài một thời gian, im lặng một thời gian. Bố cô ấy cũng phải lên tiếng xin lỗi, gia đình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Có những người khác phải từ bỏ, không bao giờ giao tiếp trên MXH nữa. Một số cháu bé vị thành niên đã tự tử vì bị thóa mạ. Với xã hội, nó tạo nên không khí căng thẳng, sự thù địch, làm gia tăng sự bất hòa. Và tôi cảm nhận được, “bạo lực” trên MXH đang ngày càng gia tăng.

. Theo bà, vì sao câu chuyện "ném đá" trên môi trường này lại gia tăng như vậy?

+ Tôi nghĩ điều này liên quan đến việc bây giờ số người sử dụng MXH càng ngày càng tăng lên, nhiều người cũng quen với MXH hơn, người ta thấy rằng tham gia vào không gian này có nhiều cái thú vị. Khi sự tương tác được gia tăng lên càng nhiều, nó càng được kích hoạt và trở nên thường xuyên hơn. Người ta cũng sẵn sàng để lên tiếng, tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng nhiều hơn trước đây. Có vấn đề gì người ta cũng sẵn sàng nhảy xổ vào để bình luận, chửi bới, ném đá, bày tỏ quan điểm.

. Đã có ý kiến cho rằng khi người ta tham gia vào MXH, cá nhân đó trở thành một phiên bản khác của chính mình. Họ khác biệt hơn với họ ở đời thường, bà có bình luận gì về ý kiến này?

+ Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Trên MXH, người ta không lộ mặt nên người ta sẵn sàng viết những lời cay độc nhất, những lời thể hiện ác ý của mình một cách rõ ràng mà không cần kiểm soát, không cần phải kiềm chế.

Không nên đánh giá thấp những tác động của MXH

. Nhưng tôi thấy vẫn có sự tương đồng giữa MXH và đời thực, đó chính là sự “lên đồng” tập thể. Đám đông có thể cùng nhau "ném đá" nạn nhân một cách rất hào hứng, bà có nghĩ vậy?

+ Tính “lên đồng” tập thể giữa đời thường và MXH giống nhau nhưng trên MXH tốc độ lan truyền của nó chỉ trong tích tắc, đôi khi người ta chết không phải vì bị đánh vào cơ thể, mà người ta có thể chết vì những lời nói độc địa, người ta có thể chết vì sự bủa vây, cô lập, xa lánh, phỉ báng của hàng vạn người. Tôi nghĩ không nên đánh giá thấp những tác động của MXH hay những cơn “lên đồng” tập thể, những hiệu ứng tiêu cực từ MXH và ngược lại.

. Vậy theo bà, cần phải làm gì để giảm thiểu những tác động này?

. Vậy theo bà, cần phải làm gì để giảm thiểu những tác động này?

+ Cần phải nghiên cứu rất kỹ về những hiệu ứng tâm lý của MXH tác động của nó lên suy nghĩ, tâm lý hành vi của mọi người. Từ cách nghĩ, thái độ xấu trên MXH có thể biến thành những hành động tiêu cực. Ai mà biết được từ suy nghĩ xấu xa, tồi tệ về Hoa hậu Ý Nhi mà khi cô ấy đi ra ngoài, biết đâu có những kẻ quá khích có thể có những hành vi xấu với cô ấy thì sao.

Bây giờ chúng ta sử dụng MXH rất nhiều nhưng chúng ta chưa thật sự hiểu hết nó, chưa hiểu tác động và chiều sâu của những tác động, những hình thức tác động khác nhau của MXH đến con người, đến các mối quan hệ xã hội, tính gắn kết của cộng đồng. Chúng ta cũng chưa hiểu hết mức độ hủy diệt của nó đối với những tương tác xã hội, gắn kết xã hội.

Cần đưa Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH vào nhà trường

. Bộ TT&TT ngày 17-6-2021 đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, trong đó có nội dung: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác...”, theo bà, điều này có tác động gì đến hành vi của người dùng MXH?

+ Tôi cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH cũng cần phải soạn kỹ hơn và đưa vào giảng dạy trong nhà trường để trẻ em từ nhỏ đã được học những quy tắc đó. Giống như bây giờ ở nhà người ta hay nói học ăn, học nói, học gói, học mở.

Ông VÕ ĐỖ THẮNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena:

Phải hiểu “luật chơi” khi dùng MXH

Đa phần những người bị tấn công MXH, thời gian đầu họ không biết mình bị tấn công vì họ không để ý hoặc không có chuyên môn để nhận biết ngay sự tấn công đó cho đến khi mọi thông tin tấn công đó bùng lên, liên tục. Lúc này, đa phần nạn nhân rơi vào tình trạng rối loạn không biết phải xử lý như thế nào. Thậm chí, khi phản hồi lại không khéo nó còn có tình trạng “đổ dầu vào lửa” khiến cho những cuộc tấn công bùng phát hơn nữa.

Vì thế, người bị tấn công từ MXH phải giữ được thái độ bình tĩnh, các nạn nhân không nên có những phát ngôn hoặc có những phản ứng thiếu kiểm soát trên cộng đồng mạng. Các nạn nhân nên có người cố vấn có am hiểu về cộng đồng mạng, am hiểu về quy định trên không gian mạng… để đưa ra phương án xử lý tốt nhất. Trong một số trường hợp, nạn nhân cần biết được ai là người đứng sau dẫn đầu những cuộc tấn công đó và có sự “điều đình”.

Đối với những người dùng MXH, đặc biệt là những người nổi tiếng cần phải có sự am hiểu Luật An ninh mạng và các quy định liên quan, am hiểu về những thông tin mình chia sẻ, bình luận trên MXH tích cực. Cần cân nhắc trước khi đưa những thông tin đó lên MXH để tránh có sự xung đột với nhau.

. Với sự vào cuộc của cộng đồng, sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước với những quy tắc, luật lệ... bà có kỳ vọng gì về môi trường MXH ở nước ta trong tương lai hay không?

+ Tôi kỳ vọng mọi người dần dần quen với MXH, quen cách dùng văn minh hơn nhưng cũng nên có những nghiên cứu, tuyên truyền, chia sẻ thật sự nghiêm túc, sâu sắc về việc chúng ta nên sử dụng MXH như thế nào, những tác động, đặc biệt là tác động tiêu cực của MXH để cho mọi người hiểu ra, dần dần thay đổi hành vi của mình. Quy tắc dù có phổ biến thì hiệu quả cũng sẽ rất chậm, chỉ có tự mọi người nhận thấy vấn đề và tự mình thay đổi rồi nhắc nhở nhau thay đổi mới khác lên được.

Tôi nhắc lại, MXH có sức hủy diệt lớn hơn đời thực, vì vậy giáo dục người dùng cũng cần phải có cách riêng của nó.

. Xin cảm ơn bà.•

Các nước xử lý người “ném đá” trên MXH ra sao?

Là quốc gia có cộng đồng người dùng Internet lớn nhất thế giới với hơn nửa tỉ người, Trung Quốc (TQ) đang triển khai kế hoạch tăng cường chống bạo lực mạng để bảo vệ công dân.

Ngày 9-6, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an đã cùng công bố một dự thảo chỉ thị về tăng cường các hình phạt đối với hành vi bắt nạt trên mạng, theo tờ South China Morning Post. Ba cơ quan trên đã hoàn tất việc lấy ý kiến của công chúng về dự thảo. Dự thảo định nghĩa bắt nạt trên mạng bao gồm các hành vi đăng tải lời lẽ xúc phạm, phỉ báng và thông tin cá nhân của ai đó lên mạng. Những hành vi này có thể khiến nạn nhân khó có cuộc sống xã hội bình thường, thậm chí gặp vấn đề về tâm lý hoặc tự tử. Theo tài liệu, các cơ quan thực thi pháp luật TQ sẽ coi những lời xúc phạm và phỉ báng trên mạng là hành vi “gây nguy hiểm nghiêm trọng cho trật tự xã hội” nếu những lời lẽ này kích động “một số lượng lớn bình luận thô tục và ác ý” hoặc khiến nạn nhân suy sụp tinh thần hay tự tử.

Theo luật hình sự TQ, các hành vi gây nguy hiểm nghiêm trọng cho trật tự xã hội có thể bị phạt tới ba năm tù hoặc bị tước quyền chính trị.Theo trang web tư vấn luật Findlaw (thuộc hãng tin Reuters), Mỹ hiện tại chưa đưa ra luật liên bang về chống bắt nạt qua mạng. Tuy nhiên, toàn bộ 50 bang ở Mỹ đều có luật chống bắt nạt và 48/50 bang (trừ bang Alaska và bang Wisconsin) đều đề cập rõ ràng hành vi bắt nạt trên mạng trong luật chống bắt nạt của bang. Biện pháp xử phạt tùy thuộc vào luật của từng bang, có thể bị phạt tiền, phạt tù hoặc cả hai.

Tại Singapore, từ năm 2014, nước này đã hình sự hóa hành vi bắt nạt trên mạng trong Đạo luật Bảo vệ khỏi quấy rối (POHA) và trong Bộ luật Hình sự Singapore. Đạo luật POHA bảo vệ người dân trước các hành vi quấy rối, theo dõi hoặc các hành vi gây khó chịu khác trên không gian mạng hoặc ngoài đời thực.

Theo trang web tư vấn luật Craw Security (Singapore), một người bị kết tội quấy rối trực tuyến theo Đạo luật POHA có thể phải chịu hình phạt lên tới 5.000 đô la Singapore (gần 90 triệu đồng) hoặc tối đa sáu tháng tù (hoặc cả hai). Nếu tái phạm, mức phạt có thể lên đến 10.000 đô la Singapore (khoảng 180 triệu đồng) hoặc tối đa 12 tháng tù (hoặc cả hai).

THẢO VY

NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT):

Nạn nhân cần lên tiếng

Những chế tài liên quan đến xử lý các thông tin xúc phạm danh dự, bôi nhọ uy tín đã có trong các quy định pháp luật hiện hành. Thông tin trên mạng rất nhiều, cục không biết ai là nạn nhân để bảo vệ mà cần có nạn nhân lên tiếng. Cũng có rất nhiều trường hợp thuộc về quản lý chuyên ngành của các bộ khác. Ví dụ liên quan đến bảo vệ trẻ em chẳng hạn, nếu cục nhận được yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH về việc các cơ quan trên mạng xã hội hay các cơ quan báo chí đưa hình ảnh riêng tư của trẻ em lên, cục sẽ xử lý. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có đường dây nóng, có website, các nạn nhân có thể gửi văn bản hoặc phản ánh đến cục.

TS ĐẶNG HOÀNG GIANG, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES):

Tác động của bạo lực mạng rất kinh khủng

Trong cuốn Thiện, ác và smartphone tôi có ghi lại khá nhiều câu chuyện của các nạn nhân, từ người nổi tiếng đến người không nổi tiếng, từ người trẻ đến người lớn tuổi, từ người có những hành vi vi phạm pháp luật như ăn trộm cho tới những người chẳng có vi phạm gì cả. Họ chỉ phát ngôn không vừa lòng cư dân mạng mà thôi. Trong cuốn sách đó có vô cùng nhiều ví dụ như vậy. Tác động của nó tới nạn nhân vô cùng kinh khủng. Nó giống như mình bị lột trần quần áo, bị trói ở một gốc cây gần đường và hàng ngàn người đi qua, những người xa lạ với mình và họ chửi bới, họ ném trứng thối vào mình mà không có ai đứng ra bảo vệ mình cả. Tác động của nó tương tự như vậy. Cha mẹ mình, bạn bè mình đều có thể đọc được, nhìn được tất cả lời lăng nhục mà cư dân mạng dành cho mình. Đó là một sự nhục nhã rất lớn và có thể đi theo nạn nhân trong một thời gian rất dài.

Cách tốt nhất để hạn chế vấn đề bạo lực mạng là phải giáo dục từ nhà trường để mỗi người biết tôn trọng lẫn nhau, kể cả trên không gian mạng. Chúng ta hoàn toàn có thể bất đồng quan điểm, chúng ta không đồng ý với ý kiến của người khác nhưng không có nghĩa là chúng ta lấy cớ đó để chúng ta băm vằm, chửi bới họ.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Nạn nhân được pháp luật bảo vệ

Năm 2018, Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.

Hành vi “xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 của luật này. Theo đó, người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Hoa Hậu ý Nhi từng bị "ném đá" trên MXH thời gian qua

Hoa Hậu ý Nhi từng bị "ném đá" trên MXH thời gian qua

Trường hợp người thực hiện hành vi loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xử lý về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Đối với trường hợp lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,thì có thể bị xử lý về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự…

NGUYỄN HIỀN - VIẾT THỊNH (ghi)

Nguồn PLO: https://plo.vn/nem-da-tap-the-tren-mang-xa-hoi-that-dang-so-post761209.html