Nên bắt đầu từ những việc làm nhỏ
Gần đây, nhiều chiến dịch tuyên truyền cho thấy tác hại của túi nylon với môi trường và sức khỏe con người đã được các ngành chức năng chú trọng, triển khai. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh, túi nylon vẫn được sử dụng trong các hoạt động đựng, gói thực phẩm. Hiệu quả từ các mô hình sử dụng sản phẩm dần loại bỏ, thay thế túi nylon đã có song vấn đề cốt lõi nằm ở thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Vẫn phổ biến tại các chợ dân sinh
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, có thời điểm mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nylon chiếm đến 7 - 8%. Lượng túi nylon thải loại cũng tăng theo từng năm. Đáng chú ý là, với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nylon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.
Theo tính toán của Tổng cục Môi trường, nếu trung bình khoảng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2.500.000 tấn/năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam liên tục tăng nhanh. Cụ thể, năm 1990 là 3,8kg/năm/người thì đến năm 2015 là 41kg/năm/người. Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì. Nghịch lý ở chỗ, khi lượng rác thải nhựa ngày một tăng, trong khi đó, việc xử lý vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh, đặc biệt ở khu vực ngoại thành Hà Nội, cả người mua và bán đều “chuộng” các sản phẩm từ túi nylon. Một tiểu thương khu vực chợ Cầu Giấy cho biết, mỗi ngày sạp hàng rau củ của chị sử dụng hết khoảng 1kg túi nylon. Khách hàng thích sử dụng loại túi này vì nó tiện lợi, dễ sử dụng lại không phải mang vác cồng kềnh như làn nhựa. “Nhiều người mua hàng còn thích xin thêm 2,3 túi để xách cho chắc chắn hoặc chia nhỏ các loại thức ăn. Vì túi rất rẻ nên tôi cũng chẳng tiếc cho thêm” - Chị Thanh, một tiểu thương cho biết.
Chia sẻ về hướng giảm thiểu nylon, Tiến sĩ Trần Hồng Côn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần phổ biến các loại bao bì thân thiện với môi trường. Để hạn chế sử dụng túi nylon, Nhà nước cần có những giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sử dụng các loại túi thân thiện môi trường; xây dựng hệ thống, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nylon; có cơ chế hỗ trợ vốn, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thay thế túi nylon, đưa giá thành loại túi này rẻ như túi nylon hiện nay…
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là sự vào cuộc của mỗi người dân, người tiêu dùng nhằm thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi nylon trong cuộc sống hằng ngày.
Thực tế cho thấy, túi nylon dễ mua, giá rẻ đã và đang trực tiếp tạo thói quen xấu cho người sử dụng. Và việc sử dụng túi nylon một lần rồi thải bỏ được xem là hành động hiển nhiên mà không biết rằng đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn, hủy hoại sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường. Hệ lụy nhãn tiền là, trong các bãi rác, hố chôn rác, xe rác... luôn ngập tràn túi nylon với đủ kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn các loại rác thải, phế thải khác.
Nhân rộng những mô hình
Một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là gần đây, nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Cửa hàng rau sạch bác Tôm; chuỗi siêu thị của Big C; Lottemart; Coopmart... đều tiến hành thử nghiệm gói rau củ bằng lá chuối và lá dong. Hành động này đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo khách hàng.
Siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) là ví dụ. Tại siêu thị này, các mặt hàng từ rau thơm, rau diếp cá, măng tây, ngổ, húng... đều được bó bằng lá chuối. Chị Đinh Lan Anh (phường Dịch Vọng) cho biết: “Trước đây đi chợ hay siêu thị tôi thường nhìn thấy người ta bọc rau bằng túi nylon, còn đây là lần đầu tiên được trải nghiệm rau bọc trong lá chuối. Nhà tôi cũng mở một cửa hàng bán rau củ, tôi nghĩ mình sẽ áp dụng thử. Chi phí có lẽ cao hơn so với việc dùng túi nylon, nhưng nó thân thiện với môi trường và thu hút được quan tâm của khách hàng”.
Một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là gần đây, nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Cửa hàng rau sạch bác Tôm; chuỗi siêu thị của Big C; Lottemart; Coopmart... đều tiến hành thử nghiệm gói rau củ bằng lá chuối và lá dong. Hành động này đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo khách hàng.
Siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) là ví dụ. Tại siêu thị này, các mặt hàng từ rau thơm, rau diếp cá, măng tây, ngổ, húng... đều được bó bằng lá chuối. Chị Đinh Lan Anh (phường Dịch Vọng) cho biết: “Trước đây đi chợ hay siêu thị tôi thường nhìn thấy người ta bọc rau bằng túi nylon, còn đây là lần đầu tiên được trải nghiệm rau bọc trong lá chuối. Nhà tôi cũng mở một cửa hàng bán rau củ, tôi nghĩ mình sẽ áp dụng thử. Chi phí có lẽ cao hơn so với việc dùng túi nylon, nhưng nó thân thiện với môi trường và thu hút được quan tâm của khách hàng”.
Đó là với các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, việc tuyên truyền, hạn chế sử dụng túi nylon cũng được nhiều nơi đồng loạt triển khai. Mô hình “Đan làn nhựa, giảm thiểu túi nylon” của chi hội phụ nữ số 5 (phường Xuân La, quận Tây Hồ) là ví dụ. Những hội viên của chi hội phụ nữ số 5 cho biết: Trước kia chưa sử dụng làn nhựa, mua mỗi một đồ là một chiếc túi, xách rất mỏi tay mà túi nylon lại khó phân hủy, đặc biệt những mặt hàng thực phẩm chín nếu đựng trong túi thì rất độc hại. Có làn chúng tôi không phải sử dụng quá nhiều túi ni lông nữa, rất tiện lợi về mọi mặt. Nhận thấy lợi ích của mô hình này, hội viên trong chi hội chúng tôi đều cùng nhau thu nhặt những chiếc dây để đan làn.
Còn tại huyện Thạch Thất, mô hình “làn nhựa đi chợ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng đang được triển khai đồng bộ nhằm giảm dần thói quen sử dụng túi nylon. Theo tìm hiểu, mô hình bắt đầu triển khai từ đầu năm 2018, với 17 chi hội cơ sở tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã trao tặng trao 1.698 làn nhựa cho hội viên phụ nữ thực hiện mô hình tại các chi hội.
Sau gần một năm triển khai, hiện mô hình đã nhân rộng ra gần khắp các chi hội phụ nữ cơ sở. Nhờ thực hiện mô hình này, trung bình mỗi ngày, mỗi hội viên phụ nữ giảm được 5 chiếc túi nylon ra môi trường. Với ý nghĩa thiết thực, mô hình “làn nhựa đi chợ” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ hội viên phụ nữ.
Tại cuộc họp giao ban Quý I, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, giảm thiểu chất thải nylon đã trở thành vấn đề cấp bách và trước hết là với sản phẩm nhựa, túi nylon khó phân hủy. Tuy nhiên vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nylon vẫn còn rất phức tạp. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen của người tiêu dùng về chất thải nhựa và túi nylon còn nhiều bất cập.
Đánh giá tầm quan trọng của việc huy động cộng đồng vào việc giảm thiểu nylon Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: “Các tiện lợi từ sản phẩm nhựa, nói đơn giản như túi nylon là không thể phủ nhận. Song để đảm bảo môi trường, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tìm cách tìm ra các sản phẩm thay thế, tạo cơ chế quản lý chặt chẽ hơn… là cần thiết”.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nen-bat-dau-tu-nhung-viec-lam-nho-90004.html