Nên cấm doanh nghiệp đầu mối mua hàng của nhau

Nếu để doanh nghiệp đầu mối được mua hàng của nhau sẽ xảy ra mua bán lòng vòng làm tăng chi phí, tăng nguồn cung giả, ảnh hưởng đến công tác điều hành của Nhà nước.

“Đang có sự đối đầu giữa các doanh nghiệp”

Tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do Báo Tiền phong tổ chức sáng 6.3, vấn đề chiết khấu tối thiểu một lần nữa làm nóng cuộc thảo luận.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) Giang Chấn Tây cho biết, sau hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14.2, lập tức chiết khấu xăng dầu tăng 1.000 - 1.500 đồng/lít tùy khu vực. “Khi Nghị định chưa sửa và thị trường chưa thay đổi, chiết khấu này từ đâu mà có? Phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này, nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ?”, ông Tây đặt vấn đề.

Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, chính thương nhân phân phối cũng than “chung cảnh ngộ”. Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phụng xác nhận, thời gian qua, doanh nghiệp của ông cũng chịu cảnh thua lỗ, mà nguyên nhân do chính doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối. “Khi lượng hàng dự trữ không còn, thương nhân phân phối không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ? Bất cập là từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Chúng tôi đang rất lỗ”, ông Phụng nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề lớn nhất của hệ thống xăng dầu hiện nay là đang có sự đối đầu giữa doanh nghiệp đầu mối với nhóm phân phối và bán lẻ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quản lý điều hành cũng như an ninh năng lượng và là vấn đề căn cốt cần phải xử lý ngay bởi nó sẽ phá vỡ tính hệ thống trong hệ thống xăng dầu.

Chuyên gia đề xuất nên cấm doanh nghiệp đầu mối được mua xăng dầu lẫn nhau vì có thể tạo nguồn cung giả. Nguồn: ITN

Chuyên gia đề xuất nên cấm doanh nghiệp đầu mối được mua xăng dầu lẫn nhau vì có thể tạo nguồn cung giả. Nguồn: ITN

“Chưa có thị trường xăng dầu đúng nghĩa”

Việc các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ “tố” bị chèn ép, thậm chí là nhận mức chiết khấu theo kiểu “ban phát” từ các doanh nghiệp đầu mối, được cho là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ, đứt gãy nguồn cung thời gian qua.

Ở góc độ chuyên gia, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa lý giải, sự khủng hoảng thị trường xăng dầu thời gian qua căn nguyên là do chúng ta không theo nguyên tắc thị trường. “Kể từ Nghị định 55/2007 về kinh doanh xăng dầu đến nay, mặc dù chúng ta đều nói thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường, nhưng thực tế vẫn chưa thực hiện được”, ông Thỏa nói.

Minh chứng cho nhận định trên, ông Thỏa cho biết, Luật Giá không quy định xăng dầu là mặt hàng Nhà nước định giá, Nhà nước chỉ dùng biện pháp bình ổn khi cần, trong đó quy định giá tối đa. Tuy nhiên, thực tế lại biến giá cơ sở thành giá tối đa, coi đó là giá cứng. Bên cạnh đó, theo quy định, dịp nghỉ lễ, Tết sẽ dừng điều chỉnh giá, trong khi thị trường vẫn vận hành, giá thế giới tăng cao nhưng giá trong nước vẫn giữ nguyên thì đứt nguồn cung là khó tránh.

Chia sẻ góc nhìn trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng xây dựng thị trường xăng dầu là vấn đề cần đặt ra lúc này, dù chậm nhưng “muộn còn hơn không”.

Phải có quy định để doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Hiện tại, Bộ Công thương đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu. Đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi lần này.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bối cảnh thị trường biến đổi quá nhanh, quá bất thường cần phải có cách ứng xử khác. Việc sửa đổi nghị định không thể theo hướng đối phó tình thế, mà phải mang hướng căn cơ. Đồng thời, Bộ Công thương cần rà soát lại để tránh những quy định khiến khái niệm cạnh tranh tự do bị thu hẹp.

Ông Vũ Đình Ánh chỉ rõ, hiện quyền năng của các doanh nghiệp đầu mối quá lớn. Chỉ riêng Petrolimex và PV Oil chiếm khoảng 70%. Đây không gọi là độc quyền tuyệt đối nhưng “độc quyền nhóm là rõ ràng”. Mặc dù công thức giá hoàn toàn công khai, minh bạch, nhưng bản chất thiết kế giá này lại đặt lợi ích của doanh nghiệp đầu mối rất lớn mà chưa có lợi ích của thương nhân phân phối. Sửa Nghị định số 95 cần xem xét yếu tố này mới tạo ra sự thay đổi căn cốt.

Sự “không ổn” của thị trường xăng dầu thời gian qua được ông Ánh chỉ ra là bởi chúng ta đang bỏ quên một bộ phận rất quan trọng, chiếm tới 70% hệ thống, đó là Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Hiện, mới chỉ đề cập đến 3 bộ phận gồm đầu mối, phân phối và bán lẻ. Trong khi đó, bản chất của phân phối gồm bán buôn và bán lẻ, nên việc tách bạch phân phối với bán lẻ chưa thật phù hợp. Do vậy, cần quy định tính độc lập của thương nhân phân phối, không tách biệt với bán lẻ mà đưa vào một nhóm chung.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cần bỏ quy định đầu mối được mua hàng của nhau vì sẽ tạo sự mua bán lòng vòng làm tăng chi phí, có thể làm tăng nguồn cung giả tạo, ảnh hưởng đến công tác điều hành. Đồng thời, siết chặt quy định với doanh nghiệp đầu mối theo hướng phải có số vốn tối thiểu, số lượng cửa hàng trực thuộc phải tăng lên.

Về phía thương nhân phân phối, cần bãi bỏ quy định được mua hàng của nhiều đầu mối, thay vào đó chỉ được mua của 2 đầu mối. Doanh nghiệp bán lẻ cũng chỉ được mua hàng của tối đa 2 nơi để tạo sự liên kết chặt chẽ, có trách nhiệm với nhau.

Về điều hành giá, nên giao cho Bộ Công thương thay vì để liên bộ như hiện nay. Nhà nước ban hành quy chế, cơ chế tính giá cũng như kiểm soát chi phí sản xuất của doanh nghiệp, thực hiện hậu kiểm; còn lại nên trao quyền định giá cho doanh nghiệp. “Đây không phải Nhà nước thả nổi, mà là quản lý gián tiếp theo quy chế thị trường, chỉ can thiệp khi bình ổn giá”, ông Thỏa đề xuất.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng, hiện có lỗ hổng pháp lý khi nhiều doanh nghiệp thua lỗ muốn rời khỏi thị trường nhưng lại chưa có quy định cụ thể. Do vậy, Bộ Công thương cần rà soát lại các điều kiện để doanh nghiệp được quyền tiếp cận thị trường cũng như quyền rời bỏ thị trường và phải được quy định rõ ràng.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nen-cam-doanh-nghiep-dau-moi-mua-hang-cua-nhau-i318129/