Nên chỉ định thầu với một số dự án đặc thù
Cơ chế chỉ định thầu tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Đấu thầu là phù hợp, nhất là các gói thầu có thời gian thực hiện nhanh, các sự kiện đặc thù như sự kiện văn hóa, du lịch.
Đó là ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Đấu thầu tại nghị trường vào chiều 23/5.
Góp ý cho điều khoản “chủ đầu tư, tổ chức được tự quyết định mua sắm trên cơ sở khách quan, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình”, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP.HCM) cho rằng, đây là quy định phù hợp với điều kiện hiện nay, đẩy nhanh quá trình mua sắm dịch vụ công. Đại biểu đặt câu hỏi với chào thầu cạnh tranh, mức độ công khai ở mức độ nào, ở nội bộ hay trên báo chí?, cần có hướng dẫn rõ để đảm bảo khâu thực hiện. Đại biểu đồng tình với việc dự thảo Luật Đấu thầu cũng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về quy trình thực hiện đấu thầu.
Đại biểu Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay, vướng mắc lớn nhất là thời gian đấu thầu kéo dài 3 - 4 tháng. “Những gói cần xử lý ngay, những việc cần phải tổ chức thực hiện ngay mà đưa vào đấu thầu thì không bao giờ kịp. Những việc mà thời gian cần thực dưới 3 - 4 tháng cần đưa vào yếu tố chỉ định thầu”, đại biểu lưu ý thêm.

Các đại biểu Quốc hội góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Đấu thầu.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) góp ý, cần bổ sung quy định chỉ định thầu với các gói thầu chỉ định là các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, quy định rõ tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện dự thảo Luật này. “Các sự kiện văn hóa mang tính chất đặc thù, mang dấu ấn sáng tạo của từng cá nhân gắn với bối cảnh thời gian, không gian, đặc trưng văn hóa thêm của từng địa phương. Mỗi chương trình cần khảo sát công phu, ngay từ đầu, có tính liền mạch từ kịch bản tổng thể cho đến triển khai, nếu tổ chức đấu thầu rộng rãi sẽ rất khó để có tiêu chí khách quan phân loại, chấm thầu”, đại biểu phân tích thêm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế, thời gian qua, ở một số nơi có tình trạng chỉ một nhà thầu trúng thầu, mấy năm liền trúng thầu mấy chục công trình. Đại biểu Hòa đặt câu hỏi: Đấu thầu để làm gì nếu nhà thầu tham gia đấu thầu không trượt phát nào? Làm sao mà trượt được vì trong thời gian qua người ta đã bỏ tiền, bỏ công sức chuẩn bị đầu tư. Đây chính là bất cập mà thời gian tới, khi sửa đổi 7 Luật trong đó có Luật Đấu thầu cho phép chủ đầu tư lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đã tham gia nhiều dự án trong nước và nước ngoài là hợp lý.
“Lưu ý đề phòng sự móc nối giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư dự án để làm thiệt hại ngân sách Nhà nước. Trong thời gian qua, không ít trường hợp địa phương vướng vào vòng lao lý này”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nen-chi-dinh-thau-voi-mot-so-du-an-dac-thu-333808.htm