Nên cho đăng kiểm viên sai phạm nhẹ làm việc trở lại
Các chuyên gia cho rằng việc cho đăng kiểm viên có sai phạm nhẹ được tiếp tục hành nghề là phù hợp nhưng cần phân rõ đối tượng, nhằm đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Sau bài “Đề xuất vẫn cho đăng kiểm viên sai phạm nhẹ làm việc” đăng ngày 19-10, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội liên quan đến vấn đề này.
Nên nhưng cần phân loại
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tại TP.HCM cho rằng: “Mỗi TTĐK có hai đăng kiểm viên (ĐKV) bị khởi tố đều phải đóng cửa từ ba tháng. Do đó tôi nghĩ ngành chức năng nên cho những ĐKV sai phạm nhẹ thêm cơ hội để họ được sửa sai, được làm lại để cống hiến kỹ năng, công sức của họ. Từ đó góp phần giảm tải cho các TTĐK” - vị đại diện nói.
Cũng theo vị đại diện, trước đây quy định các nhân sự đăng kiểm không được làm quá 200 giờ/năm nhưng nếu xe đến kiểm định đông thì bắt làm tăng thêm giờ. “Lúc này ai chịu trách nhiệm cho vấn đề sức khỏe của ĐKV” - vị này nói thêm.
Một chuyên gia giao thông cho rằng cũng nên cho ĐKV sai phạm nhẹ làm việc trở lại nhưng cần phân loại ĐKV, không thể “cào bằng” hết. Đặc biệt, với các ĐKV bị kết án về tội danh nhận hối lộ cần loại ngay ra khỏi ngành, lĩnh vực được giao. “Trường hợp không đủ nhân lực Bộ GTVT phải đưa ra các giải pháp, thậm chí phải tính đến việc huy động lại lực lượng công an, quân đội như vừa qua” - vị chuyên gia này ý kiến.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cũng ủng hộ các ĐKV sai phạm nhẹ được quay lại làm việc, nhất là trong bối cảnh nguồn ĐKV đào tạo mới để bổ sung cho lực lượng chưa đủ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng việc Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ GTVT không thu hồi chứng chỉ ĐKV trong trường hợp tòa cho họ hưởng án treo, không bị nghiêm cấm hành nghề cũng là một giải pháp để không bị thiếu hụt nhân sự ở các TTĐK. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc này còn tùy thuộc vào diễn biến của vụ án.
Trường hợp ĐKV chỉ bị xử lý hành chính, Cục Đăng kiểm hoàn toàn có thể xem xét không thu hồi chứng chỉ hành nghề nhưng nếu có “án” thì việc tiếp tục tham gia kiểm định sẽ khó. “Vì thế, chúng ta cũng có thể tính thêm phương án sử dụng các ĐKV bị thu hồi chứng chỉ hành nghề vào những công việc không cần đến chứng chỉ ĐKV” - ông Quyền gợi ý.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Định Thọ vừa có ý kiến giao Cục Đăng kiểm chủ động xây dựng nguồn nhân lực mới bù cho số ĐKV bị khởi tố, nghỉ việc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, các TTĐK phải hỗ trợ nhau trong điều tiết nhân sự.
Hạn chế ùn tắc cần giải pháp đồng bộ
Theo ông Quyền, để giảm tình trạng ùn tắc tại các TTĐK trong những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024 cần phải có giải pháp đồng bộ. Trước mắt, Bộ GTVT phải nhanh chóng điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Bởi giá dịch vụ kiểm định hiện nay đã ban hành được 10 năm, tiền lương và các chi phí cấu thành nên giá đã thay đổi rất nhiều.
Thêm vào đó, dịch vụ kiểm định xe cơ giới những năm qua không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nên không có trung tâm nào mở mới. Các trung tâm đang hoạt động cũng chưa mặn mà với việc rót tiền, nâng công suất dây chuyền kiểm định lên.
“Nếu không kịp thời điều chỉnh giá sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực, mất khả năng cân đối cung - cầu đối với dịch vụ này. Tôi cho rằng với mức phí tăng 100.000-200.000 đồng tùy từng xe, người dân và doanh nghiệp rất ủng hộ, bởi so với thiệt hại về kinh tế khi phải chờ đợi kiểm định do ùn tắc thì mức tăng này rất nhỏ…” - ông Quyền nói.
Ngoài ra, ông Quyền cho rằng quy định hiện hành cho phép các TTĐK hoạt động mỗi tuần năm ngày (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật); các ĐKV làm việc 8 tiếng/ngày. Quy định này chưa khuyến khích được các TTĐK hoạt động hết công suất.
Do đó, ông Quyền đề nghị cần nghiên cứu cho phép các TTĐK làm thêm giờ trong ngày, làm cả ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật tùy theo nhu cầu đăng kiểm của người dân ở mỗi giai đoạn, mỗi địa phương.
“Có thể tăng thêm khoảng 20% phí làm ngoài giờ so với mức phí thông thường, nhằm trả lương tốt hơn cho ĐKV” - ông Quyền cho hay.
Ông Lê Trung Tính cũng đề xuất Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT nên sớm có văn bản hướng dẫn để các cơ sở bảo dưỡng ô tô được kiểm định xe nhằm xã hội hóa công tác đăng kiểm. Bởi đây cũng là lực lượng bổ sung có chất lượng, hữu hiệu và có giá trị.
“Thay vì bắt buộc đủ điều kiện, diện tích như các TTĐK thì các đại lý 3S, 4S chỉ cần một diện tích hoạt động một dây chuyền kiểm định thì phù hợp hơn và tạo điều kiện cho họ được thực hiện” - ông Tính nhấn mạnh.•
Phù hợp với nguyên tắc khoan hồng của pháp luật
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết ở góc độ kinh tế - xã hội, đề xuất cho các ĐKV sai phạm nhẹ được trở lại công việc lúc này là cần thiết, phù hợp với nhu cầu xã hội, nhất là trong dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao.
“Tình trạng ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới trong dịp cao điểm cuối năm có thể dẫn đến thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp. Việc cơ quan nhà nước xử lý các hành vi vi phạm cũng cần phải lưu tâm đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - luật sư Giới cho hay.
Cũng theo luật sư Giới, đề xuất cho các ĐKV có sai phạm nhẹ trở lại công việc cũng phù hợp với nguyên tắc khoan hồng của pháp luật trong việc xử lý các hành vi vi phạm. “Pháp luật Việt Nam luôn có sự khoan hồng đối với những người sai phạm lần đầu, ăn năn hối cải, mức độ sai phạm nhẹ, có vai trò không lớn trong những vi phạm pháp luật có tính tổ chức” - luật sư Giới nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nen-cho-dang-kiem-vien-sai-pham-nhe-lam-viec-tro-lai-post757548.html