Nên coi dạy thêm là hoạt động có điều kiện để quản lý chặt chẽ, giảm trục lợi, tiêu cực
Tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2025, một số đại biểu đề nghị nên coi dạy thêm, học thêm là hoạt động có điều kiện, tổ chức dạy học có nơi, có chỗ, có đăng ký để quản lý chặt chẽ, giảm trục lợi, tiêu cực...
Thảo luận về tình hình dư luận xã hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan tâm đến vấn đề dạy thêm, học thêm.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng mặc dù Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025 nhưng có những biện pháp “hơi mạnh”.
Nhu cầu dạy thêm, học thêm là cần thiết và là nhu cầu chính đáng nhưng phải tránh sự ép buộc và tiêu cực phát sinh. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, nhu cầu dạy thêm, học thêm chính đáng. Giáo viên giỏi có quyền dạy thêm để có thêm thu nhập, học sinh thiếu hụt về kiến thức hoặc muốn học giỏi hơn nên cần học thêm; nhưng phải tránh xảy ra những tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh so sánh việc nhà giáo dạy thêm ngoài giờ đúng chuyên môn cũng như thầy thuốc ngoài giờ đi khám bệnh, làm thêm. Vấn đề là phải quản lý, tổ chức ra sao để tránh trục lợi, tiêu cực.
Nhấn mạnh nhu cầu học thêm là có thật, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng có nhu cầu của học sinh và phụ huynh thì sẽ có dịch vụ để đáp ứng nhu cầu này. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên coi dạy thêm là hoạt động có điều kiện, tổ chức dạy học có nơi, có chỗ, có đăng ký để quản lý chặt chẽ, giảm bớt trục lợi, tiêu cực.
Kết luận phiên họp, đối với vấn đề dạy thêm, học thêm được cử tri và nhân dân quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, đồng thời tập hợp dư luận để có điều chỉnh, chỉ đạo để tránh tiêu cực. “Chúng ta chấp nhận dạy thêm, học thêm nhưng phải quản lý được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngày 7/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 10/CĐ-TTg về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Công điện nhấn mạnh để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và hoạt động dạy thêm, học thêm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn…
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định. Kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Quy định về dạy thêm, học thêm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Quy định về dạy thêm, học thêm; yêu cầu xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm theo quy định.
Chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông; Quy định về dạy thêm, học thêm, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.