Hãng tin RT dẫn lời ông Alexey Arestovich, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 31/3/2022 nói rằng, lực lượng của Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn ngành công nghiệp quốc phòng cũng như ngành công nghiệp dân sự của Ukraine.
"Cả hai bên đều chịu thiệt hại. Nếu bạn nghĩ rằng chúng tôi không thiệt hại, bạn đã nhầm to. Trên thực tế, lực lượng Nga đã phá hủy ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi và đang kết liễu nó. Họ cũng đang tàn phá ngành công nghiệp dân sự", ông Ukraine Alexey Arestovich nói.
Ông Arestovich cho rằng, mục tiêu của Nga là biến Ukraine thành một quốc gia "không ai để tâm đến", giống như "một lãnh thổ bị phá hủy".
Nga chưa bình luận về tuyên bố của cố vấn Tổng thống Ukraine. Trước đó, Nga khẳng định không nhắm vào mục tiêu dân sự và cáo buộc "những phần tử chủ nghĩa dân tộc Ukraine sử dụng dân thường làm lá chắn sống" cũng như dàn dựng các vụ tấn công nhằm vào người dân.
Hôm 26/3, thông báo kết quả sau một tháng triển khai chiến dịch quân sự, Cục trưởng Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Tướng Sergei Rudskoy, tuyên bố, lực lượng không quân và các hệ thống phòng không Ukraine đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, trong khi lực lượng hải quân hiện không còn tồn tại.
Theo thống kê của quân đội Nga, sau một tháng giao tranh, quân đội Ukraine đã mất 1.587 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác trong tổng số 2.416 chiếc còn hoạt động trước chiến sự, 112 máy bay quân sự trong tổng số 152 chiếc, 75 máy bay trực thăng trong số 149 chiếc.
Ngoài ra, 148 trong số 180 hệ thống phòng không Buk-M1 và S-300 của Ukraine bị vô hiệu hóa, 117 trạm radar trong tổng số 300 trạm bị san phẳng.
Khoảng 85% lượng tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U không thể hoạt động. Nga cũng phá hủy 39 căn cứ và kho vũ khí của Ukraine, nơi chứa tới 70% kho quân trang, vật tư, nhiên liệu, cũng như hơn một triệu tấn đạn dược.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết, kinh tế nước này đã mất đà tăng trưởng, thiệt hại gần 565 tỷ USD về cơ sở hạ tầng và chịu nhiều tổn thất khác vì chiến dịch quân sự của Nga.
Theo quan chức này, các cuộc giao tranh đã làm hư hại hoặc phá hủy 8.000km đường và 10 triệu m2 nhà ở. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hàng triệu người Ukraine đã phải sơ tán do xung đột.
Theo Military Watch, vào tháng 12/1991, Ukraine trở thành quốc gia lớn thứ ba trong số 15 nước cộng hòa độc lập từ Liên Xô sau Nga và Kazakhstan. Nước này có một tương lai đầy hứa hẹn với tư cách là một cường quốc công nghiệp lớn.
Quay lại thời Liên Xô, Ukraine là một trong những khu vực công nghiệp hóa nhất của siêu cường, họ kế thừa gần như toàn bộ tinh hoa của nền công nghiệp nặng Xô Viết.
Ukraine nắm giữ công nghệ cần thiết để cung cấp năng lượng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình vũ trụ của Liên Xô. Ngoài ra Kiev còn có các nhà máy đóng tàu đủ khả năng chế tạo tàu sân bay.
Phòng thiết kế Antonov của Ukraine đã sản xuất một số máy bay hiện đại nhất, bao gồm cả vận tải cơ lớn nhất thế giới An-225. Nhiều nhà máy của họ đã sản xuất các hệ thống từ động cơ tàu thủy đến tên lửa đất đối đất liên lục địa.
Tuy vậy ngành công nghiệp nước này nói chung đã sa sút trong suốt ba thập kỷ, chủ yếu là do tham nhũng nghiêm trọng và tình trạng quản lý yếu kém.
Trong thập niên 1990, Ukraine là nguồn cung cấp công nghệ quân sự tiên tiến giá rẻ hàng đầu cho Trung Quốc.
Tuy nhiên những thay đổi về chính trị dẫn đến việc Kiev nhanh chóng rơi vào tầm ảnh hưởng của phương Tây, Mỹ gây áp lực đáng kể buộc họ từ bỏ các thương vụ có lợi nhất.
Trong một thời gian dài, sản phẩm quân sự do Ukraine chế tạo chủ yếu dành để xuất sang Nga, một số khác xuất khẩu sang các thị trường nhỏ khác, tuy vậy không đáng kể.
Những nỗ lực nhằm đưa nước này trở thành nhà sản xuất xe tăng lớn cũng không thành công, bất chấp họ đã tạo ra dòng xe tăng T-84 Oplot và Thái Lan từng đặt mua chúng vào đầu những năm 2010.
Tuy vậy Ukraine không thể thực hiện các điều khoản trong hợp đồng của mình. Điều này khiến các khách hàng tiềm năng cảm thấy lo ngại.
Khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến thực trạng là T-84 thậm chí chưa được sản xuất để sử dụng trong nước, hiện tại hầu hết các đơn vị xe tăng ở Ukraine đều dựa vào dòng T-64 đã lỗi thời.
Với việc rơi vào vòng xoáy xung đột với Moscow, nền công nghiệp quốc phòng vốn đã yếu có thể sụp đổ luôn dưới sự công phá của vũ khí Nga. Có thể sẽ còn rất lâu nữa nền công nghiệp quốc phòng Ukriane mới có thể hồi phục như thời đầu độc lập khỏi Liên Xô.
Việt Hùng