Nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu?
Nhiều ý kiến cho rằng, nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu nhằm xây dựng thị trường xăng dầu ổn định, minh bạch và hiệu quả.
Sáng nay (30-7), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả".
Đánh giá về vai trò điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý, ông Hoàng Văn Cường- Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho hay, Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu.
Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế. Theo ông Hoàng Văn Cường, dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới; việc điều hành giá vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“ Khi đã dùng hành chính áp đặt như thế, sẽ không bảo đảm lợi ích về mặt lợi nhuận của doanh nghiệp đó. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên họ sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình là vừa qua, có những lúc có nơi thông báo hết xăng dầu, không bán được.
Đối với công cụ về thuế hay sử dụng công cụ trích quỹ bình ổn, thực chất là dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường”- ông Hoàng Văn Cường nêu.
Phân tích sâu thêm về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, công cụ thị trường có thể sử dụng để tạo ra bình ổn giá kể cả khi giá thế giới biến động bất thường nhưng nếu như có công cụ thị trường, các doanh nghiệp có tiềm lực vẫn có thể bán ra ở mức hợp lý với mức dự trữ tốt.
Từ đó dẫn đến tình trạng chính sách này mang tính chất cào bằng. Doanh nghiệp nào đầu tư kinh doanh tốt thì cũng bán giá đó, doanh nghiệp nào kinh doanh kém cũng bán giá đấy; Tức là không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.
“Nếu chúng ta để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp đó sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí người ta có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt thì sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt. Đấy là những điều chúng ta cần phải khắc phục”- ông Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào một số điểm trọng tâm như: Thay đổi cơ chế từ quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, vì hiện nay chúng ta có cơ sở để dùng công cụ thị trường, không lo bị động bởi vì xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động.
Cùng với đó, các doanh nghiệp được tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết thông qua thuế nhập khẩu và thuế thu nhập. Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.
Nêu lên các “nút thắt” trong các nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành, ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đó vẫn là cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.
“Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp, kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/ lít cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá giai đoạn lên đến 33.000 đồng năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành.
Do vậy, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất. Đúng như ông Hoàng Văn Cường vừa mới đề cập, chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định”- ông Bùi Ngọc Bảo nói.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, đối với quản lý Nhà nước, thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế. Thứ hai, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành.
Đặc biệt là cần xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh để người tiêu dùng được hưởng lợi.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc hoàn thiện Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết để phù hợp với tình hình biến động của thị trường xăng dầu hiện nay.
Thuế, phí chiếm đến 29% giá xăng dầu
“Giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77% so với giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu. Về yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29% trong giá xăng dầu.
Đối với chi phí kinh doanh định mức được xác định trên cơ sở báo cáo kiểm toán kinh doanh xăng dầu cũng như các báo cáo thống kê chi phí thực tế tại doanh nghiệp. Hiện nay, chi phí định mức dao động từ 7,5-11% của giá xăng dầu.
Một số yếu tố cấu thành giá nữa là về lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ… cũng ảnh hưởng tới giá xăng dầu. Tựu chung lại, giá thế giới là nhóm tác động lớn nhất tới giá xăng dầu”- ông Phạm Văn Bình- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nen-de-doanh-nghiep-tu-quyet-gia-xang-dau-post584505.antd