Nên giảm hay giữ mức phạt vi phạm nồng độ cồn?

Giờ giải lao trong cuộc họp, nhóm bạn của tôi thảo luận sôi nổi về đề xuất giảm mức phạt tiền đối với vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, đang được Bộ Công an dự thảo và lấy ý kiến.

Đa số rất hân hoan, cho rằng mức phạt như đề xuất là "chấp nhận được", "dễ thở". Họ cũng phấn khích cho rằng "sau thời gian siết rất chặt, nay ngành công an đã tiếp thu ý kiến đời sống, nới lỏng việc phạt vi phạm nồng độ cồn là phù hợp".

Việc siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua đã giúp người dân tăng nhận thức, giảm uống rượu bia, số ca tai nạn giao thông theo đó cũng giảm. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Việc siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua đã giúp người dân tăng nhận thức, giảm uống rượu bia, số ca tai nạn giao thông theo đó cũng giảm. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại: Mới vừa siết được hai năm, một thói quen tốt đang hình thành là "đã uống rượu bia thì không lái xe", nay có hướng nới lỏng thì liệu có hợp lý không? Mặt khác, người Việt tiêu thụ lượng bia rượu rất nhiều, tương đương 3,9 tỷ lít/năm, quy đổi khoảng 3,4 tỷ USD, trong khi thu nhập còn thấp, thể chất thuộc loại thấp nhất trên thế giới.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn mà Bộ Công an đang dự thảo đúng là "rất dễ thở" so với mức đang áp dụng. Theo đó, với người đi xe máy, nếu mức vi phạm là dưới 0,25mg/lít khí thở sẽ chịu phạt 400.000-600.000 đồng (thay vì 2-3 triệu đồng); với người đi ô tô, mức phạt 800.000-1 triệu đồng (thay vì 6-8 triệu đồng). Nói chung với dân nhậu "thường thường bậc trung", uống 4-6 lon bia 5% độ cồn thì sẽ có mức cồn trong cơ thể dao động quanh 0,25mg/lít khí thở.

Trên một số hội nhóm, nhất là các hội nhóm về ô tô, một số ý kiến còn tự nhận là "có sự thay đổi trên, là nhờ ý kiến liên tục của chúng ta". Nhưng tôi lại không nghĩ vậy.

Bộ Công an có lý do để đưa ra đề xuất giảm mức tiền phạt, vì cho rằng sau hai năm làm quyết liệt, thói quen uống rượu bia khi tham gia giao thông đã giảm, nhận thức của cộng đồng thay đổi theo hướng tích cực. Do vậy, điều chỉnh giảm mức phạt là phù hợp với tính chất, hành vi vi phạm.

Mặt khác trong nhân dân, cũng có ý kiến cần nới lỏng quy định phạt để người dân còn làm ăn buôn bán, bia rượu tiêu thụ được còn tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách…

Tuy nhiên, nếu soi chiếu với hình thức chế tài, mức phạt tiền dù giảm nhưng đi kèm đó là quy định trừ điểm giấy phép lái xe (hiện cũng đang dự thảo). Với vi phạm mức độ cồn như trên sẽ bị trừ 2 điểm/tổng số 12 điểm. Mà khi hết 12 điểm, người lái sẽ phải học lại, sẽ thi lấy bằng với các bước thủ tục không dễ chịu chút nào.

Trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục SCGT, Bộ Công an) nêu: Hiện có 2 luồng ý kiến, một là đồng thuận với mức giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn như dự thảo; hai là đề nghị giữ nguyên.

Về đề xuất giữ nguyên, ông Nhật cho biết, các ý kiến nêu: Việc siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua đã giúp người dân tăng nhận thức, giảm rượu bia, số ca tai nạn giao thông theo đó cũng giảm. Dù vậy, thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, vẫn có hơn 550.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Một bộ phận không nhỏ vẫn chưa nâng cao nhận thức, vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, nếu nới lỏng sẽ không duy trì được thành quả trên. Tới đây, Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến xung quanh vấn đề này.

Dù sao đi nữa, bia rượu giảm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Không chỉ giảm tai nạn giao thông mà còn tăng cường thể chất, giảm bệnh tật, nâng cao chất lượng đời sống của mỗi người.

Theo tôi, giảm mức phạt nhưng tăng cường các chế tài khác liên quan cũng tốt. Tất nhiên, như đại diện Cục CSGT đã nói, đề xuất này còn được tiếp tục nghiên cứu, trước khi trình Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, một giải pháp nữa để hạn chế bia rượu trong cộng đồng cũng cần các cơ quan chức năng tính tới - đó là tăng thuế bia rượu lên để hạn chế người uống. Việc này giúp người uống tự đưa ra quyết định mà không nhất thiết pháp luật phải can thiệp.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nen-giam-hay-giu-muc-phat-vi-pham-nong-do-con-192240808232535387.htm