Nên giữ nguyên hay đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác?
Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, tuy nhiên vẫn có ý kiến băn khoăn về vấn đề này.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án đối tên dự thảo Luật Hợp tác xã thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”, tuy nhiên vẫn có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề này.
Cụ thể, theo Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần được xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở đó, bà Khang Thị Mào cho rằng: Cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng sửa đổi toàn diện, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia, góp phần tăng thu nhập, chất lượng đời sống nhân dân; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Đại hiểu Quốc hội Khang Thị Mào cũng đưa ra đề xuất, đổi tên Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như tại Tờ trình của Chính phủ với những lý do sau:
Thứ nhất, tên Luật phải phù hợp tinh thần chỉ đạo của Đảng, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương xác định: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao”. Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh rộng với nhiều đối tượng không chỉ hợp tác xã mà còn có các tổ chức kinh tế khác như: Tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã.
Thứ hai, mô hình hợp tác xã trước đây đã phát huy hiệu quả và có đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta. Trong bối cảnh đất nước có sự thay đổi mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các tổ chức kinh tế khác trên thị trường trong nước và cả quốc tế, các tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm cả các hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã, các tổ hợp tác... lại chưa có sự đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Việc chậm đổi mới của các hợp tác xã trong một thời gian dài đã để lại nhiều dấu ấn chưa tốt về mô hình hợp tác xã, vì vậy rất khó thu hút được sự tham gia của người dân, đặc biệt là các đối tượng trẻ, các đối tượng có trình độ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, các tổ chức kinh tế hợp tác hầu như hoạt động đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các tổ chức này.
“Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đổi tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thể hiện tư duy “đổi mới” toàn diện, tạo sự thống nhất, gắn kết cùng phát triển giữa các tổ chức kinh tế hợp tác với nhau, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền; thu hút nguồn lực xã hội, người dân, tổ chức tham gia để kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, giúp hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; đến năm 2045 thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác” – Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào thông tin.
Góp ý về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa thống nhất với việc sửa tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vì cho rằng, nó phản ánh được thực chất của hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp trong điều kiện doanh nghiệp là tập thể và kể cả doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp khác. Đại biểu Lê Xuân Thân cũng cho rằng, tên gọi như vậy phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Đại biểu Quốc hội Lại Văn Hoàn - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, Hiến pháp Việt Nam cũng sử dụng khái niệm sở hữu tập thể và kinh tế tập thể khi nói về cơ cấu thành phần kinh tế quốc gia. Do vậy, việc sử dụng tên Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là phù hợp hơn và đáp ứng tính thống nhất với Hiến pháp và các văn bản khác của Đảng.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình đổi tên Luật, thì cũng có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lan - đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng: Giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã như trước đây, một trong những lý do được đại biểu Nguyễn Thị Lan đưa ra là, khái niệm hợp tác xã hay tên gọi hợp tác xã thì đã được sử dụng xuyên suốt trong lịch sử phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam và đã được sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền và trong tiềm thức của người dân Việt Nam.
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, tháng 6/2023.
Nguyễn Hòa