Nên giữ nguyên tuổi hưu, giảm giờ làm

Số đông người lao động đều không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và nới rộng khung giờ làm thêm

Sáng 3-10, gần 100 đại biểu đã tham dự hội nghị lấy ý kiến cán bộ Công đoàn (CĐ), công chức, viên chức và người lao động về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội và LĐLĐ TP HCM phối hợp tổ chức. Tại hội nghị, vấn đề mở rộng khung giờ làm thêm tối đa và điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu được các đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận.

Chưa sướng đã khổ

Đề cập đến đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm tại Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, bày tỏ: "Các cơ sở để ban soạn thảo đưa ra đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa chưa thuyết phục bởi chưa thực hiện bất cứ cuộc nghiên cứu hay đánh giá tác động nào về hệ lụy của việc làm thêm giờ của người lao động (NLĐ). Thực tế, yêu cầu nới rộng khung giờ làm thêm tối đa chủ yếu xuất phát từ phía các chủ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn NLĐ thì không mong muốn. NLĐ buộc phải tăng ca vì lương không đủ sống, song nếu tăng ca quá nhiều thì họ sẽ đối mặt với tình trạng chưa sướng đã khổ, tức kiếm được tiền nhưng chưa kịp xài đã đổ bệnh. Vì vậy, để vừa bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho NLĐ, tôi đề nghị giữ nguyên số giờ làm thêm như hiện nay".

Phần lớn công nhân trực tiếp sản xuất không muốn tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phần lớn công nhân trực tiếp sản xuất không muốn tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi - Aventis Việt Nam, cho rằng giảm giờ làm thêm là xu hướng tiến bộ của xã hội nhưng nước ta lại đang làm ngược lại. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế có thể sẽ dẫn đến tình trạng DN lợi dụng thời giờ làm thêm để khai thác sức lao động, dẫn đến NLĐ sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Cũng theo ông Đạt, ngoài việc không tăng giờ làm thêm thì nên giảm thời gian làm việc của NLĐ khu vực DN từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ hay 40 giờ/tuần nhằm giảm sự bất bình đẳng với những người làm việc ở khu vực nhà nước, hành chính sự nghiệp. "Có ý kiến cho rằng giảm giờ làm của NLĐ sẽ làm giảm năng suất nhưng thực tế không phải vậy. Từ năm 1995, công ty chúng tôi đã thực hiện chế độ làm việc 44 giờ/tuần và sau đó 2 năm thời gian làm việc của NLĐ giảm xuống còn 40 giờ/tuần nhưng năng suất lao động không giảm mà còn tăng. Lý do là khi được giảm giờ làm, NLĐ phấn chấn hơn nên làm việc tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn" - ông Đạt dẫn chứng.

50 tuổi, giáo viên mầm non không đủ sức múa hát

Sau nhiều đợt tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại cơ sở, ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết hầu hết đoàn viên và NLĐ không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Sự phản đối không chỉ đến từ NLĐ làm việc trong các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, giày da… mà cả những ngành nghề khác, như giáo viên. "Nhiều giáo viên mầm non phát biểu rằng ở độ tuổi 50, nhiều người đã lên chức bà. Ở độ tuổi đó, các cô cũng không còn đủ sức để múa hát với các cháu" - ông Hoa chia sẻ.

Ông Trần Nhật Sinh, Chủ tịch CĐ Khối cơ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng khi tổ chức lấy ý kiến NLĐ về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đối với đội ngũ quản lý hay lao động có trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ…, họ đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo đề xuất. Tuy nhiên, khối công chức, viên chức, NLĐ bình thường thì phản đối. Chẳng hạn, NLĐ ở khối diễn viên múa, biểu diễn xiếc hay huấn luyện viên các bộ môn thể thao đều cho rằng không có đủ sức khỏe, thể lực để làm việc đến tuổi nghỉ hưu. "Nguồn nhân lực trẻ hiện nay có trình độ, do vậy nếu kéo dài thời gian làm việc của lực lượng lao động cao tuổi sẽ làm thu hẹp cơ hội việc làm của lao động trẻ, hết sức lãng phí. Theo tôi, không nên tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu buộc phải tăng thì chỉ nên tăng ở một số ngành, nghề nhất định" - ông Sinh kiến nghị.

Làm việc tại DN có hơn 600 lao động trực tiếp sản xuất, ông Nguyễn Thanh Minh, đại diện Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, đưa ra thống kê chỉ có 4%-5% tổng số lao động "bò" được đến tuổi nghỉ hưu, số còn lại phải nghỉ việc trước tuổi vì nhiều lý do dù không ít người vẫn muốn gắn bó với DN. "Quan sát công nhân (CN) ở các DN tư nhân vào giờ tan ca, tôi thấy hầu hết họ rất trẻ. Rất hiếm DN tuyển dụng CN trên 45 tuổi. Thực tế này chỉ ra rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức khác về an sinh xã hội khi mà hàng loạt CN lớn tuổi phải rời bỏ công việc khi chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được hưởng bất cứ chế độ nào" - ông Minh bày tỏ.

Làm thêm giờ tăng nguy cơ tai nạn lao động

Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết qua điều tra các vụ tai nạn lao động, số vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian làm thêm chiếm tỉ lệ khá lớn so với giờ làm việc bình thường. Giờ làm thêm càng tăng, sức khỏe NLĐ càng giảm dẫn đến năng suất lao động không cao. Do đó, không nên mở rộng khung giờ làm thêm tối đa. Bên cạnh đó, cần giảm giờ làm cho NLĐ trong khối DN xuống 40 giờ/tuần để bảo đảm bình đẳng với những lao động thuộc khu vực nhà nước và khối hành chính sự nghiệp. "Bộ Luật Lao động năm 2012 khuyến khích DN thực hiện thời gian làm việc 40 giờ/tuần, hơn nữa từ năm 1999 khối khu vực nhà nước đã bắt đầu thực hiện làm việc 40 giờ/tuần. Sự chênh lệch kéo dài 20 năm qua cần được san bằng để bảo đảm sự bình đẳng cho tất cả đối tượng lao động" - ông Vũ nói.

MAI CHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nen-giu-nguyen-tuoi-huu-giam-gio-lam-201910032132353.htm