Nên hay không theo ngành triết học?

Đó là vấn đề được phóng viên Báo Quân đội nhân dân đặt ra trong cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Và từng được ví như khoa học của các khoa học, triết học sẽ trang bị cho sinh viên kỹ năng tư duy mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần.

Phóng viên (PV): Là cơ sở đào tạo chuyên ngành triết học hàng đầu Việt Nam, tổng quan đào tạo những năm gần đây như thế nào, thưa ông?

 PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn.

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn.

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn: Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN) được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) quyết định thành lập vào tháng 9-1976. 45 năm qua, khoa đã xây dựng được đội ngũ giảng viên, nhà khoa học tâm huyết, có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Khoa đã đào tạo được hơn 2.500 sinh viên chính quy, hơn 1.200 sinh viên hệ vừa học vừa làm, hơn 600 thạc sĩ và gần 150 tiến sĩ triết học các chuyên ngành. Hiện tại, mỗi năm khoa tổ chức đào tạo hàng trăm sinh viên và học viên sau đại học ở nhiều hướng chuyên ban, chuyên ngành triết học, đồng thời phụ trách giảng dạy học phần Triết học Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học cho toàn bộ sinh viên ĐHQGHN; dạy học phần Triết học cho tất cả học viên sau đại học của ĐHQGHN và nhiều học phần chuyên môn khác, như: Logic học, Mỹ học, Đạo đức học...

PV: Triết học được đánh giá là lĩnh vực khó, kén người học và người theo chuyên ngành này cơ hội có việc làm không cao. Thực tế đầu vào và đầu ra của Khoa Triết học những năm qua như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn: Hiện tại, quy mô tuyển sinh ở các hệ đào tạo của Khoa Triết học đều giảm so với cách đây từ 5 đến 7 năm. Đây là khó khăn chung đối với các ngành khoa học cơ bản. Năm 2016, chương trình đào tạo cử nhân triết học của khoa đã được kiểm định chất lượng theo những tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và được đánh giá ở mức khá. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy giảng viên và sinh viên của khoa còn hạn chế về ngoại ngữ (tiếng Anh), chuẩn đầu ra và các môn học được thiết kế còn thiên nhiều về lý thuyết, chưa đủ gắn kết với thực tiễn...

 Một buổi thực tế của sinh viên Khoa Triết học. Ảnh: TUYẾT NHUNG.

Một buổi thực tế của sinh viên Khoa Triết học. Ảnh: TUYẾT NHUNG.

Sinh viên ngành triết học sau khi ra trường có thể trở thành giảng viên các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, đảm nhiệm công việc nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực, như: Triết học phương Đông, triết học phương Tây, logic học, tôn giáo học, đạo đức học, mỹ học... Họ cũng có thể làm biên tập viên tham gia phụ trách những vấn đề lý luận cho các tạp chí tuyên truyền, phổ biến lý luận, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước... Triết học không dạy người học kiến thức của một nghề nghiệp cụ thể, nhưng nó lại dạy sinh viên kỹ năng tư duy mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần.

PV: Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua khoa đã đổi mới phương pháp đào tạo như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn: Khoa Triết học xác định sứ mệnh là “Đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu sáng tạo và truyền bá tri thức về các khoa học triết học và Triết học Mác-Lênin phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, với tầm nhìn “Trở thành đơn vị đứng đầu cả nước và ngang tầm khu vực về đào tạo và nghiên cứu các khoa học triết học, lịch sử tư tưởng Việt Nam”. Muốn hoàn thành được mục tiêu trên, Khoa Triết học cần tập trung xây dựng mới và chỉnh sửa lại một số học phần chuyên ngành Triết học Mác-Lênin, Lịch sử Triết học và Tôn giáo học phương Đông, phương Tây đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trên cơ sở đẩy mạnh tham khảo các chương trình đào tạo quốc tế; đào tạo lại đội ngũ giảng viên, tăng cường các hoạt động trao đổi học thuật với các đối tác đẳng cấp cao hơn trong khu vực và trên thế giới. Khoa cũng đã và đang tích cực cải tiến các phương pháp giảng dạy, chuyển từ mô hình dạy học truyền thụ sang dạy học kiến tạo, phát huy năng lực, tính tự chủ, sáng tạo của người học. Trong thời gian qua, khoa đã giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề vận động của xã hội, văn hóa, đạo đức, lối sống, chính trị, tôn giáo, quan hệ quốc tế trong thế giới đương đại, gợi mở và chuẩn bị các điều kiện cho người học của mình trở thành những “công dân toàn cầu”.

PV: Bên cạnh công tác đào tạo, khoa đã có đóng góp gì đối với Hội Triết học nói riêng và ngành triết học Việt Nam nói chung?

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn: Triết học từng được ví như khoa học của các khoa học. Ngày nay, triết học vẫn giữ vai trò là hạt nhân lý luận của thế giới quan đồng thời thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất cho nhận thức và thực tiễn. Với tư cách một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, Hội Triết học không chỉ là nơi tập hợp hàng nghìn người đang giảng dạy, nghiên cứu triết học trên cả nước mà còn trở thành trung tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học của những người theo nghiệp triết học. Hội cũng đang xúc tiến thành lập các liên chi hội, các chi hội ở địa phương hay ở các cơ sở giáo dục, nghiên cứu lớn trên cả nước mà Khoa Triết học xứng đáng là một chi hội nòng cốt. Ý thức được điều đó, Khoa Triết học sẽ nỗ lực hết mình góp phần chủ lực vào sự phát triển của Hội Triết học, xứng đáng là cái nôi đã và đang đào tạo cho đất nước phần lớn nguồn nhân lực triết học chất lượng cao.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nen-hay-khong-theo-nganh-triet-hoc-652272