'Nền kinh tế cô đơn' ở quốc gia giàu có bậc nhất châu Á

Lượng người Hàn Quốc sống một mình tăng kỷ lục đang tạo ra thị trường màu mỡ cho những dịch vụ và sản phẩm nhắm đến nhu cầu lấp đầy khoảng trống tinh thần.

Sau khi kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài bốn năm, anh Suh, ngoài 40 tuổi, chọn sống một mình tại Seoul. Mỗi tháng, anh bỏ ra hơn 142.000 won (gần 100 USD) cho các loại thực phẩm cao cấp, dịch vụ làm đẹp và chăm sóc cho chú chó giống Maltese, người bạn đồng hành duy nhất trong cuộc sống thường ngày.

Dù con số này cao hơn mức chi tiêu trung bình của người nuôi thú cưng tại Hàn Quốc theo báo cáo năm 2024 của Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn, anh Suh cho rằng khoản đầu tư đó là “đáng giá”.

“Nó giúp tôi thoát khỏi cảm giác cô đơn sau ly hôn. Tôi không có con cái, cũng ít liên lạc với gia đình hay bạn bè những năm gần đây. Với tôi, tình cảm mà nó mang lại là vô giá”, anh nói.

Những câu chuyện như của anh Suh đang ngày một phổ biến, khi ngày càng nhiều người Hàn Quốc sống đơn thân, muốn tìm cách lấp đầy khoảng trống cảm xúc. Các nhà kinh tế gọi đó là “nền kinh tế cô đơn”, lĩnh vực kinh doanh dựa trên nhu cầu của những người cảm thấy lạc lõng trong xã hội hiện đại.

 Một phụ nữ sống một mình đang mua sắm tại siêu thị ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Một phụ nữ sống một mình đang mua sắm tại siêu thị ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Một thân một mình nơi thành phố

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2023, số hộ gia đình chỉ có một thành viên tại nước này đã lên tới 7,82 triệu. Con số này chiếm 35,5% tổng số hộ trên toàn quốc, tỷ trọng cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê vào năm 2015.

Đáng chú ý, nhóm người dưới 30 tuổi và trong độ tuổi 30 chiếm gần 36% trong số này. Dù Hàn Quốc có dấu hiệu phục hồi tỷ lệ kết hôn sau nhiều năm sụt giảm, nhiều người trẻ vẫn trì hoãn hoặc từ chối hôn nhân vì chi phí đắt đỏ liên quan đến cưới hỏi, nhà cửa và nuôi con.

“Tôi không muốn nói là tất cả những người sống một mình đều cảm thấy cô đơn, vì có nhiều người trẻ độc thân chọn cách này để tận hưởng cuộc sống độc thân”, SCMP dẫn lời giáo sư Shin Se-don, nguyên giảng viên kinh tế tại Đại học Nữ sinh Sookmyung. “Nhưng cũng có những người bị hoàn cảnh đẩy vào cuộc sống cô độc, và họ buộc phải tìm cách thích nghi”.

Với nhóm này, thị trường cung cấp đủ loại dịch vụ - từ tư vấn tâm lý, ứng dụng hẹn hò trực tuyến cho tới các dịch vụ hẹn hò trả phí, nơi khách hàng có thể “thuê” người đi cùng trong vài giờ. Những dịch vụ như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối, mà còn phản ánh sự thay đổi trong cấu trúc xã hội Hàn Quốc.

 Người lớn tuổi được phát bữa trưa miễn phí tại công viên ở Busan, Hàn Quốc, bao gồm những người sống một mình, vào tháng 11/2023. Ảnh: Newsis.

Người lớn tuổi được phát bữa trưa miễn phí tại công viên ở Busan, Hàn Quốc, bao gồm những người sống một mình, vào tháng 11/2023. Ảnh: Newsis.

Những khoảng trống không thể lấp đầy

Không chỉ giới trẻ, người lớn tuổi cũng là một phần quan trọng trong bức tranh “kinh tế cô đơn”. Số người từ 65 tuổi trở lên sống một mình đã tăng mạnh từ 16% năm 2020 lên 22,1% vào năm 2024, theo Cục Thống kê Hàn Quốc. Cùng với đó là tỷ lệ ly hôn cao thứ hai châu Á, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ, với 1,8 vụ ly hôn trên mỗi 1.000 người vào năm 2023.

Ông Jung Ho-chul, thành viên tổ chức Liên minh Công dân vì Công bằng Kinh tế, cho rằng đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất: “Ly hôn hoặc mất người thân là cú sốc lớn về tinh thần. Số người phải chịu cú sốc này rất có thể sẽ còn tăng khi nhiều người Hàn Quốc sống thọ hơn nhưng lại không chuẩn bị tâm lý để đối mặt với sự cô đơn”.

Theo ông Jung, nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý và trị liệu sẽ còn tăng mạnh trong tương lai, khi số lượng người sống đơn thân tiếp tục leo thang. Những doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng này - từ công nghệ đến sức khỏe tinh thần - đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/nen-kinh-te-co-don-o-quoc-gia-giau-co-bac-nhat-chau-a-post1547380.html