Nền kinh tế của thị xã Quảng Trị có nhiều khởi sắc
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hậu quả lũ lụt cuối năm 2020 và diễn biến phức tạp của COVID-19 kéo dài nhưng nền kinh tế của thị xã Quảng Trị năm 2021 vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, nhất là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt cao so với dự toán năm; số doanh nghiệp thành lập mới vượt kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội được đảm bảo.
Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, do chịu tác động của COVID-19 nên một số cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN chỉ duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng do gặp khó khăn trong việc nhập nguyên liệu đầu vào và xuất bán sản phẩm. Trước khó khăn này, cấp ủy, chính quyền thị xã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp vừa phòng, chống tốt dịch bệnh vừa hỗ trợ sản xuất nên doanh nghiệp sớm phục hồi để tăng doanh thu và giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với đó, thị xã chú trọng triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng nhiều chương trình, hoạt động phù hợp với tình hình thực tế địa phương để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
UBND thị xã sớm đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Hải Lệ giai đoạn 1 với diện tích 20,5 ha. Năm 2021, cụm công nghiệp này đã thu hút được 3 dự án vào đầu tư với tổng số vốn đăng ký 65,3 tỉ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới của thị xã lên 19 doanh nghiệp, tăng 4 doanh nghiệp so với kế hoạch đề ra. Đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác khuyến công, hỗ trợ cơ sở sản xuất đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần ổn định sản xuất.
Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, UBND thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết của Thị ủy về phát triển thương mại - dịch vụ- du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời ban hành danh mục kêu gọi dự án đầu tư vào địa bàn thị xã. Hoàn thành tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Nhờ đó, năm 2021 thương mại- dịch vụ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Đối với sản xuất nông nghiệp, UBND thị xã kịp thời chỉ đạo các ngành và địa phương triển khai phương án khôi phục khẩn cấp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và hệ thống thủy lợi bị hư hỏng do lũ năm 2020 gây ra với kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Đồng thời đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đồng hành, hợp tác, mời gọi các doanh nghiệp tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa. Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của thị xã đạt 888,6 ha, riêng diện tích lúa 536 ha, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn. Thị xã triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Đề án 6060 của UBND tỉnh về khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi. Tuy việc tái đàn chưa đạt được kế hoạch đề ra nhưng đàn gia súc, gia cầm của người dân vẫn duy trì khá cao, trong đó đàn trâu có 685 con, bò 650 con, lợn 3.686 con, gia cầm 47.500 con. Sản lượng thịt hơi bán ra thị trường đạt 1.600 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 71 ha, sản lượng đạt 310 tấn. Diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 201 ha, tăng 3 ha so với cùng kỳ năm trước, diện tích cây phân tán 4,5 vạn cây, sản lượng gỗ khai thác đạt 9.273 m3.
Đặc biệt, để phát triển ngành nông nghiệp, UBND thị xã Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, gắn sản xuất với tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt thủy sản có giá trị kinh tế cao và các loài cá nuôi truyền thống; tái đàn, tăng đàn đối với các vật nuôi có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho thị trường, nhất là trong dịp lễ, tết Nguyên đán Nhâm Dần.
UBND thị xã kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về kinh tế tư nhân. Theo đó, năm 2021, thị xã đã cấp mới giấy phép kinh doanh cho 224 trường hợp với số vốn 84 tỉ đồng, cấp thay đổi giấy phép kinh doanh cho 59 trường hợp với số vốn 30 tỉ đồng. Hiện nay, thị xã có 3.345 cơ sở sản xuất kinh doanh và 165 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2022, bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thị xã tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn, dịch vụ tại phía Bắc cầu Thành Cổ, đấu thầu khai thác chợ Ba Bến; kêu gọi đầu tư 1 - 2 siêu thị, trung tâm thương mại vào thị xã; đổi mới, nâng cao chất lượng và hình thành các sản phẩm du lịch. Hoàn thành việc đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hải Lệ giai đoạn 1 và triển khai đầu tư giai đoạn 2. Tiếp tục thực hiện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào thị xã, phấn đấu có 1- 2 dự án đầu tư vào Cụm công nghiệp Hải Lệ. Thực hiện tốt công tác khuyến công, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất có ưu thế của địa phương như xay xát, chế biến lương thực, cơ khí, gia công kim loại, sản xuất ván ghép thanh.
Cùng với đó, thị xã tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất. Chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan triển khai sản xuất theo lịch thời vụ, cơ cấu giống; thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng tập trung, thâm canh, phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo cho sản xuất vụ đông xuân năm 2021 - 2022 và vụ hè thu năm 2022 đạt chỉ tiêu đề ra.