Nền kinh tế Israel lao đao vì xung đột ở Gaza, thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động
Cuộc xung đột Israel - Hamas không chỉ khiến người dân Gaza chịu ảnh hưởng nặng nề. Bản thân Israel cũng gặp khó khăn về kinh tế, khi nguồn lao động bị thiếu hụt nặng nề do công nhân Palestine không được nhập cảnh và nhiều người Israel phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Cả Israel lẫn Bờ Tây đều khủng hoảng
Nir Yanushevsky đứng đầu một công ty bất động sản và xây dựng ở phía bắc Tel Aviv mà trước chiến tranh có khoảng 1.000 nhân viên. Nhưng việc Israel đình chỉ giấy phép lao động của người Palestine sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10 đã khiến hoạt động của công ty bị đình trệ.
“Một buổi sáng bạn thức dậy và 1/3 số công nhân của bạn đã rời đi”, ông Yanushevsky kể lại cú sốc của mình.
Công việc của Mustafa Irzikat cũng vậy. Ông bố 4 con đã từ Bờ Tây đến Israel để làm việc ở công trường xây dựng hơn 16 năm nhưng giờ đây ông phải sống nhờ tiền vay từ bạn bè. “Không có họ, tôi sẽ không thể trả tiền ăn trong một ngày”, Irzikat nói.
Cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đang làm biến đổi nền kinh tế của nước này và của Bờ Tây.
Quyết định cấm hơn 100.000 công nhân Palestine vào Israel đã làm giảm nguồn lao động giá rẻ ở một đất nước có khoảng 9 triệu dân được biết đến với mức lương tương đối cao và luật nhập cư nghiêm ngặt.
Đồng thời, quân đội Israel đã triệu tập khoảng 400.000 quân dự bị và các quan chức ước tính rằng 250.000 người Israel đã phải di dời ít nhất là tạm thời khỏi nhà của họ, đặc biệt là khỏi các khu vực được coi là dễ bị tấn công, khiến nhiều người không thể đi làm.
Theo Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, khoảng 20% nhân viên Israel không làm việc do nghĩa vụ quân sự hoặc di dời, ước tính thiệt hại cho nền kinh tế do sự vắng mặt của công nhân Israel đã lên tới khoảng 13 tỷ shekels, tương đương 3,6 tỷ USD, tính từ lúc xảy ra vụ tấn công ngày 7/10 đến giữa tháng 11.
Theo ước tính của Cơ quan Đổi mới Israel, trong lĩnh vực công nghệ của Israel, một động lực quan trọng của nền kinh tế của nước này, trung bình từ 10% đến 15% lực lượng lao động đã được gọi làm nhiệm vụ dự bị.
“Các doanh nghiệp hoạt động không suôn sẻ, người dân không tiêu nhiều tiền”, Yossi Mekelberg, nhà phân tích về Trung Đông tại Chatham House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho biết.
Liên đoàn các tổ chức doanh nghiệp nhỏ Israel và Trung tâm kinh tế chính trị vĩ mô có trụ sở tại Tel Aviv cùng dự báo rằng chiến tranh sẽ góp phần trực tiếp vào việc đóng cửa khoảng 30.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Kết quả là triển vọng của nền kinh tế đang mờ đi. Ngân hàng trung ương Israel vào tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP khi ước tính nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2% hàng năm - giảm so với dự báo trước đó là 3% hàng năm - vào năm 2023 và 2024.
Việc đình chỉ giấy phép lao động, hạn chế quyền tự do đi lại của người Palestine và giới hạn nhập khẩu đều gây tổn hại cho nền kinh tế Bờ Tây. Cục Thống kê Trung ương Palestine ước tính rằng GDP tại vùng lãnh thổ này giảm 37% - lên tới khoảng 500 triệu USD mỗi tháng. Theo Bộ Kinh tế Quốc gia Palestine, hơn một phần tư doanh nghiệp ở Bờ Tây đã đóng cửa một phần hoặc toàn bộ vào tháng 11 do chiến sự giữa Israel và Hamas ở Gaza.
Abdallah Al Dardari, Giám đốc phụ trách các quốc gia Ả Rập tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cũng nhận định rằng việc đình chỉ giấy phép lao động của người Palestine đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở Bờ Tây.
Theo báo cáo tháng 11 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), một cơ quan của Liên hợp quốc, ước tính ban đầu cho thấy khoảng 1/4 việc làm của người Palestine ở Bờ Tây đã bị mất, tương đương với khoảng 208.000 việc làm, trong đó có 56.000 việc làm do hoạt động kinh tế khu vực giảm sút.
Khoảng 130.000 người Palestine từ Bờ Tây đã có giấy phép làm việc ở Israel, bao gồm cả các khu định cư ở Bờ Tây, cùng với khoảng 40.000 người khác vào Israel mà không có giấy phép làm việc trong quý 3 năm nay, trước chiến tranh.
Chính phủ Israel tuần trước cho biết họ sẽ tiếp tục cấm công nhân Palestine vào Israel với lý do lo ngại về an ninh. Việc đình chỉ giấy phép lao động đối với người Palestine đặc biệt ảnh hưởng đến ngành xây dựng của Israel, nơi sử dụng hơn 60% người Palestine làm việc, và lĩnh vực nông nghiệp.
Vất vả tìm nguồn lao động mới
Bộ Xây dựng và Nhà ở Israel hồi tháng trước cho biết Israel đã ký một thỏa thuận song phương với Ấn Độ về vấn đề lao động và cho biết họ đang tìm cách thúc đẩy các thỏa thuận tương tự với các nước khác trong nỗ lực tìm nguồn lao động thay thế công nhân Palestine.
Chính phủ Israel đã phê duyệt đề xuất thu hút 10.000 lao động nước ngoài vào ngành xây dựng trước cuối năm nay và đang thực hiện các bước để tăng hạn ngạch lao động xây dựng nước ngoài lên 23.000.
Tel Aviv cho biết họ cũng đang tìm cách gia hạn thị thực cho người lao động nước ngoài đã ở Israel và rút ngắn các thủ tục quan liêu. Trước cuộc xung đột Israel - Hamas, hạn ngạch của công nhân xây dựng nước ngoài không phải người Palestine là 30.000 một năm.
Israel cho phép người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới nhập cư và nhận quyền công dân. Đất nước này hạn chế nhập cư đối với những người không phải là người Do Thái. Theo các nhóm nhân quyền, nhiều người lao động nhập cư, ngay cả khi họ đã sống hợp pháp ở Israel trong nhiều năm, vẫn không có quyền có được tư cách pháp nhân lâu dài và có nguy cơ bị mất giấy phép lao động nếu họ có con.
Theo Cục Thống kê Trung ương Israel, vào cuối năm 2022, 136.000 người nước ngoài - chủ yếu đến từ Nam Á và Đông Nam Á - đã nhập cảnh vào nước này bằng thị thực lao động trong những năm qua.
Hiệp hội Xây dựng Israel cho biết quyết định của chính phủ ngăn chặn công nhân Palestine vào Israel sẽ cản trở ngành xây dựng trở lại hoạt động bình thường ngay cả khi kết thúc chiến sự và “kết quả thực tế sẽ là sự phá sản của nhiều nhà thầu và chủ doanh nghiệp”.
Theo Yanushevsky, chủ một công ty xây dựng, nếu chiến sự chấm dứt ngay lập tức và công nhân Palestine quay trở lại, cũng phải mất ít nhất 6 tháng để đạt được mức độ phát triển như trước. Ông nói, số lượng lao động nước ngoài mà chính phủ đang cố gắng thay thế người Palestine là không đủ.
“Nó giống như cố gắng cứu một con tàu đang chìm bằng cách dùng thìa hất nước ra ngoài”, Yanushevsky nói.