Nền kinh tế Malaysia: Nhiều dấu hiệu tích cực

Kinh tế Malaysia đạt mức tăng trưởng 5,6% trong quý I-2023, vượt tốc độ tăng trưởng của một số quốc gia trong khu vực như Indonesia (5%) và Trung Quốc (4,5%). Mức tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng của quốc gia này cho cả năm 2023, dự báo nằm trong khoảng 4-5%.

Mức tăng trưởng mạnh cho thấy, nền kinh tế Malaysia đang trên đà đáp ứng, thậm chí có thể vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của cả năm.

Ngoài ra, tăng trưởng trong quý đầu năm 2023 cũng vượt mức tăng trưởng 4,8% ở quý I-2022. Sự cải thiện so với cùng kỳ là dấu hiệu nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á đã lấy lại sức mạnh và động lực.

Nền kinh tế Malaysia đang đi đúng hướng khi nhìn vào những số liệu đầy tích cực, với đà tăng trưởng trên diện rộng giữa các ngành, nhu cầu trong nước mạnh mẽ, điều kiện thị trường lao động được cải thiện và tỷ lệ lạm phát tương đối thấp.

Tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong quý I-2023 được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó dẫn đầu là dịch vụ và sản xuất.

Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 7,3%, cho thấy hiệu suất mạnh mẽ ở các ngành tài chính, du lịch, viễn thông và các hoạt động định hướng dịch vụ khác. Lĩnh vực sản xuất tăng 3,2%, phản ánh sự mở rộng ở những lĩnh vực tiềm năng như điện tử, ô tô và hàng tiêu dùng.

Nền kinh tế Malaysia có thể vượt dự kiến tăng trưởng năm 2023. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế Malaysia có thể vượt dự kiến tăng trưởng năm 2023. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, nhu cầu nội địa bền vững cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Malaysia. Điều này cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp tại quốc gia này tin tưởng vào triển vọng kinh tế đất nước, dẫn đến tăng chi tiêu và đầu tư. Chi tiêu cá nhân tăng mạnh dẫn đến chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh cao hơn, qua đó góp phần mở rộng kinh tế.

Thị trường lao động ở Malaysia duy trì đà tăng trưởng ở quý I-2023. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5%, thấp hơn một chút so với mức 3,6% của quý trước. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát trong quý đầu năm 2023 đã giảm 0,3% so với mức 3,9% ở quý IV-2022 sau khi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả và trợ cấp cho người tiêu dùng, nhờ đó giảm áp lực lạm phát chung đối với nền kinh tế. Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát của Malaysia vào tháng 3-2023 ở mức 3,4%, thấp hơn so với một số quốc gia phát triển như Anh (10,1%), Singapore (5,5%) và Mỹ (5%).

Để duy trì và cải thiện tốc độ tăng trưởng, Malaysia cần tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực sản xuất và hàng hóa, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp mới, thúc đẩy đổi mới và khởi nghiệp, đồng thời, đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi. Bên cạnh đó, đầu tư vào giáo dục và phát triển kỹ năng là yếu tố quan trọng để tạo ra một lực lượng lao động tay nghề cao có thể đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng. Malaysia có thể tập trung vào việc cải thiện chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, thúc đẩy đào tạo nghề và kỹ thuật, cũng như các cơ hội học tập suốt đời.

Việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới giao thông, tiện ích và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cũng sẽ góp phần tăng cường năng lực kết nối và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là việc nắm bắt các công nghệ kỹ thuật số, thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số để tăng cường khả năng cạnh tranh. Malaysia có thể ưu tiên phát triển bền vững bằng cách giải quyết những thách thức về môi trường và thúc đẩy tính bền vững ở các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp, sản xuất và du lịch.

Khi dồn sức cho những lĩnh vực quan trọng, Malaysia có thể tiếp tục tăng cường khả năng phục hồi, khả năng cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nen-kinh-te-malaysia-nhieu-dau-hieu-tich-cuc-634593.html