Nền kinh tế Mỹ phục hồi 2,6% trong quý III, thoát cảnh tăng trưởng âm
Sau khi suy giảm trong 6 tháng liên tiếp, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Hoa Kỳ đã tăng 2,6%. Kết quả này cao hơn dự báo của các tổ chức nghiên cứu và đánh dấu quý tăng trưởng đầu tiên của nền kinh tế Mỹ trong năm 2022.
Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo GDP cho thấy, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,6%/năm tính đến quý III/2022, cao hơn dự báo 2,3% được đưa ra trước đó. Đây là lần tăng trưởng đầu tiên trong năm nay, bất chấp những lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong quý III/2022, chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Mỹ, tăng 0,4%, giảm nhẹ so với mức tăng 0,5% hồi quý trước. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tăng 4,2%, nhưng giảm mạnh so với mức 7,3% của quý trước.
Kết quả này được tính theo tỷ lệ chuẩn hóa theo năm (annualized), vượt qua kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế và đảo ngược đà giảm 0,6% trong quý II và 1,6% vào quý I. Giới phân tích cho rằng, thâm hụt thương mại thu hẹp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý III.
Báo cáo GDP phản ánh sự chuyển dịch liên tục từ chi tiêu hàng hóa sang chi tiêu dịch vụ, với chi tiêu cho hàng hóa kéo dài đà giảm trong 3 quý liên tiếp, chi tiêu cho dịch vụ chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực. Chi tiêu người tiêu dùng chỉ tăng 1,4% trong quý vừa qua, chậm hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Trong 6 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng do phụ thuộc vào nhập khẩu tăng vì nền sản xuất của Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng vọt. Lượng hàng hóa tồn kho của các doanh nghiệp cũng giảm sâu vì tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Sang quý III, tình hình thương mại và hàng tồn kho được cải thiện. Các vấn đề chuỗi cung ứng dần được gỡ bỏ, nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng hạ nhiệt, giúp nhập khẩu đi xuống. Trong khi đó, xuất khẩu tăng lên, một phần là nhờ việc bán dầu thô ra nước ngoài.
Hai quý GDP suy giảm liên tiếp như nửa đầu năm nay của kinh tế Mỹ đáp ứng định nghĩa một cuộc suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nói rằng một cuộc suy thoái thực sự phải có sự suy giảm sâu hơn, rộng hơn và kéo dài hơn trong hoạt động kinh tế.
Nhưng thời gian qua thị trường lao động Mỹ vẫn nóng, tiêu dùng tăng mạnh và đầu tư của doanh nghiệp vẫn mạnh, nên nền kinh tế chưa bị coi là suy thoái. Giới chuyên gia cũng lưu ý, mặc dù việc kinh tế Mỹ phục hồi là một chỉ dấu đáng khích lệ, nước này cũng cần chú ý đến việc thị trường bất động sản và tiêu dùng nội địa đang có dấu hiệu suy yếu.
Hiện, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt 3,5%, gần mức thấp nhất trong lịch sử (2,5% vào tháng 5/1953). Thu nhập có xu hướng tăng nhưng lạm phát cao kỷ lục đã đốt sạch các khoản tiết kiệm của người dân Mỹ.
Nhiều khả năng Fed đã sẵn sàng thực hiện đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp tại cuộc họp tháng 11 tới. Động thái này có thể sẽ nâng mức lãi suất mục tiêu của ngân hàng này lên 3,75% - 4%.
Vào tháng 3/2022, lãi suất quỹ liên bang dao động gần mức 0%. Đến tháng trước, hầu hết các quan chức cho rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức 4,6%. Hiện tại, các nhà đầu tư kỳ vọng mức lãi suất sẽ lên tới 5% vào năm tới.
Sự tăng trưởng trở lại trong quý III cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái, vẫn còn cơ hội nhỏ nhoi để Fed giảm lạm phát mà không gây ra tình trạng suy thoái. Mặc dù Fed có thể sớm xem xét việc làm giảm tốc độ tăng lãi suất, sớm nhất là vào tháng 12, nhưng dự kiến ngân hàng này sẽ không sớm chuyển hướng hoàn toàn khỏi chính sách thắt chặt tiền tệ.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Gus Faucher của PNC Financial Services Group, tăng trưởng GDP sẽ chậm lại trong thời gian tới. Thậm chí sẽ có một đợt suy giảm dài hơn vào năm sau, do lãi suất tăng cao và tâm lý lo ngại khiến người dân, doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi tiêu.