Nền kinh tế nhân văn - câu chuyện nhìn từ Samsung

Một nền kinh tế nhân văn, trong đó mỗi lao động được bảo đảm những quyền cơ bản nhất của con người như môi trường làm việc tốt; phúc lợi đầy đủ; sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần được chăm lo, đang là xu hướng được thảo luận ở nhiều quốc gia. Để có một nền kinh tế đáng mơ ước như vậy, khởi điểm phải từ những doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm trong mọi hoạt động của mình. Samsung Việt Nam, cứ điểm toàn cầu về sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn Samsung, là một hình mẫu đáng học hỏi về triết lý và thực hành kinh tế nhân văn như vậy.

“Chúng tôi muốn gắn bó lâu dài với Samsung”

32 tuổi, Nguyễn Thị Cúc (quê Bắc Giang), đã có 14 năm làm việc ở bộ phận lắp ráp điện thoại của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh (SEV). Lý giải về sự gắn bó này, Cúc cho biết, trước đây, cô nghe nói Samsung có chế độ phúc lợi và lương thưởng tốt nên cùng bạn nộp hồ sơ xin việc. “Làm ở Samsung rồi tôi mới thấy những gì mọi người nói hoàn toàn đúng. Chế độ lương thưởng rất rõ ràng. Các dịp lễ, Tết, công ty đều có quà tặng nhân viên. Hai vợ chồng tôi đều làm cho Samsung nên kinh tế gia đình khá ổn định”, Cúc khoe.

Hiện tại, Cúc mang bầu con thứ hai và vẫn đi làm ở bộ phận quản lý chất lượng đầu vào. “Từ khi mang bầu, tôi được bố trí công việc nhẹ nhàng hơn, được ngồi làm việc, có suất ăn thêm. Khi đi ăn, đi xe bus cũng có ghế dành riêng cho bà bầu, khi xếp hàng được ưu tiên để đi trước. Tôi cũng được nghỉ làm để đi khám thai sản và hưởng bảo hiểm thai sản khi nghỉ sinh”, Cúc kể. Công ty cũng thường mời các chuyên gia đến giảng dạy về chế độ dinh dưỡng cho mẹ và bé, hướng dẫn bài tập thể dục cho các bà bầu và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chăm con.

Phần lớn nhân viên của Samsung là nữ giới, năm 2023 có hơn 8.500 lao động thông báo mang thai. Vì thế, các xưởng sản xuất của Samsung có khu vực đặc biệt dành riêng cho nhân viên nữ mang thai (Mommy Line) - ở đây, các bà bầu được bố trí công việc nhẹ nhàng hơn và có ghế ngồi. Không chỉ vậy, Samsung còn vận hành 35 phòng Mommy Room - là không gian nghỉ ngơi cho những nhân viên mang thai, nuôi con nhỏ với khu nghỉ ngơi, khu vắt sữa, tủ lạnh trữ sữa, có sách và tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mẹ và bé... Đến thời điểm này, Samsung có lẽ là doanh nghiệp duy nhất triển khai chính sách hỗ trợ nhân viên sản xuất nghỉ dưỡng thai. Theo đó, nhân viên có thể nghỉ dưỡng thai theo nguyện vọng từ lúc mang bầu tới lúc sinh và được hỗ trợ 50% lương tháng, được tham gia bảo hiểm xã hội. “Chế độ đãi ngộ như vậy khiến tôi cũng như các đồng nghiệp rất yên tâm và muốn gắn bó lâu dài với Samsung”, Cúc nói.

Một góc thư viện dành cho nhân viên trong ký túc xá của Samsung Việt Nam

Một góc thư viện dành cho nhân viên trong ký túc xá của Samsung Việt Nam

Hơn Cúc 1 tuổi, Chu Thị Thiết cũng có 9 năm làm việc ở bộ phận lắp ráp điện thoại của SEV. Quê ở Lạng Sơn nên thời gian đầu, Thiết thuê nhà trọ cùng bạn. “Chi phí ở trọ cũng cao mà điều kiện sinh hoạt cũng không được đầy đủ, nhất là mùa hè rất nóng vì không có điều hòa”, Thiết kể. Bởi vậy, Thiết đăng ký vào sống ở ký túc xá của SEV.

“Chuyển vào ký túc xá thoải mái và tiện nghi hơn rất nhiều. Phòng ở rộng, có quạt, có điều hòa và nước nóng mọi lúc”, cô khoe, giọng hồ hởi. Đặc biệt, trong ký túc xá có khu trò chơi, rạp chiếu phim, thư viện; hiệu cắt tóc; có phòng tư vấn tâm lý phòng tập yoga, tập gym hoàn toàn miễn phí; có quán cà phê, siêu thị, nhà ăn… Vào những khung giờ rảnh rỗi, Thiết và các bạn có thể mua sắm, giải trí, tập luyện ngay trong “thành phố thu nhỏ” này.

Cùng với SEV, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) là nơi cho ra đời những dòng điện thoại cao cấp nhất của Samsung. Số lượng điện thoại sản xuất ở SEV và SEVT hiện chiếm hơn 50% tổng sản phẩm di động của Samsung toàn cầu với hơn 2 tỷ chiếc. Tháng 7 vừa qua, Samsung toàn cầu cho ra mặt dòng điện thoại gập thế hệ mới gồm Samsung Galaxy Z Fold 6 và Galaxy Z Flip 6, cả hai mẫu điện thoại này đều được sản xuất tại SEV và SEVT.

Một trong những nhân viên đã góp phần làm nên những mẫu điện thoại di động hiện đại của Samsung là Trần Văn Hiếu, 26 tuổi, quê Thái Nguyên, hiện làm ở bộ phận quản lý thiết bị khối sản xuất kính điện thoại tại SEVT. Hiếu bắt đầu công việc ở nhà máy từ năm 2017 với vị trí của một nhân viên sản xuất, bởi trên tay lúc đó chỉ có tấm bằng tốt nghiệp cấp 3. Nhận thấy ở SEVT, bất cứ nhân viên nào cũng có cơ hội vươn lên, năm 2018, Hiếu quyết định tham gia chương trình Cao đẳng nội bộ, do SEVT phối hợp với trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật - Đại học Thái Nguyên tổ chức ngay tại nhà máy từ năm 2014 với mục đích tạo điều kiện cho nhân viên vừa đi làm, vừa đi học. Hiếu tốt nghiệp năm 2021 với chuyên ngành điện tử và có cơ hội thi tuyển lên kỹ thuật viên. “Tôi đã tận dụng thành công cơ hội đó và được chuyển sang làm ở mảng quản lý thiết bị - đúng với chuyên ngành cao đẳng mà tôi được đào tạo”, Hiếu cho biết.

Nhiều chính sách phúc lợi “chỉ Samsung mới có”

Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế tính đến hết năm 2023 là 22,8 tỷ USD. Với 6 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu phát triển và 1 pháp nhân bán lẻ đang vận hành, năm 2023 Samsung đóng góp hơn 55,7 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

“Chúng tôi có 3 mục tiêu: Con người là số 1 - Sản phẩm là số 1 - Môi trường là số 1”, ông Park Sung Ho, người đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của cả hai công ty SEVT và SEV, nói. Đây không phải là khẩu hiệu mà là những gì đang diễn ra ở các nhà máy của Samsung trên đất nước Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh “coi trọng giá trị con người”.

Hệ thống ký túc xá của các pháp nhân Samsung gồm 45 tòa nhà với 5.274 phòng đủ cung cấp chỗ ở cho hơn 18.000 nhân viên. Các tòa nhà ở được trang bị hệ thống điều hòa, phòng trang điểm, phòng giặt,... đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của nhân viên. Những nhân viên sinh sống cách công ty trong bán kính 60km vẫn có thể đi/về trong ngày nhờ hệ thống xe buýt đưa đón hàng ngày cả ca ngày và ca đêm. Tổng cộng có 110 tuyến xe buýt với 800 xe buýt 45 chỗ chất lượng cao đưa đón nhân viên tới các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. 14 nhà ăn của Samsung có thể phục vụ cùng lúc hơn 23.000 người với khoảng 117.000 suất ăn/ngày. Thực đơn được thay đổi đa dạng với khoảng 13 loại thực đơn mỗi ngày phù hợp với từng bữa sáng/trưa/tối/đêm.

Sức khỏe thể chất và tinh thần người lao động cũng là mối quan tâm hàng đầu của Samsung. Hệ thống 8 trạm y tế với 190 giường và gần 120 bác sĩ, y tá thuộc các chuyên khoa cùng hơn 100 loại thuốc cơ bản giúp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân viên. Đặc biệt, tại SEVT và SEV có 18 chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên nghiệp và đội ngũ cộng tác viên với tên gọi “Gate Keeper" với ý nghĩa là "người gác cổng tâm hồn" lên tới gần 5.900 người ở tất cả bộ phận của nhà máy. Các Gate Keeper có cơ hội tiếp xúc gần gũi nhất với đồng nghiệp của mình, có thể phát hiện sớm các khó khăn về tâm lý, đời sống xã hội đồng nghiệp đang gặp phải để kết nối và chuyển tiếp tới chuyên gia tư vấn tâm lý nhằm hỗ trợ kịp thời.

“Chúng tôi hiểu rằng, nguồn nhân lực khỏe mạnh, hạnh phúc là chìa khóa cho sự thành công, vững mạnh của bất kỳ doanh nghiệp nào. Với mỗi cá nhân người lao động, có được sự thoải mái về tinh thần và những trải nghiệm hạnh phúc tại gia đình, cộng đồng và nơi làm việc chính là nền tảng để tận hưởng một cuộc sống có ý nghĩa, từ đó giúp nhân viên nỗ lực cống hiến, tạo ra giá trị góp phần vào sự thành công chung của doanh nghiệp”, ông Lê Tùng Bách, Giám đốc bộ phận Quan hệ lao động của SEVT chia sẻ.

Khu vực dành riêng cho nhân viên nữ mang thai (Mommy Line) của Samsung Bắc Ninh (SEV), nơi các bà bầu được bố trí công việc nhẹ nhàng và có ghế ngồi

Khu vực dành riêng cho nhân viên nữ mang thai (Mommy Line) của Samsung Bắc Ninh (SEV), nơi các bà bầu được bố trí công việc nhẹ nhàng và có ghế ngồi

Một trong những chính sách thể hiện Samsung luôn đặt con người là yếu tố quan trọng nhất là chú trọng đào tạo, nhằm giúp nhân viên ở tất cả các cấp bậc phát triển kiến thức, kỹ năng. Bà Đặng Thu Hương, Giám đốc tuyển dụng và đào tạo của SEVT, rất tự hào về những chương trình đào tạo mà “có lẽ chỉ Samsung mới có”, ví dụ như chương trình đào tạo cao đẳng nội bộ hệ chính quy, được tổ chức ngay trong công ty. Những nhân viên hoàn thành chương trình này không chỉ được nâng cao trình độ mà còn có cơ hội thi tuyển lên vị trí công việc cao hơn, với thu nhập và con đường thăng tiến rộng mở hơn, mà câu chuyện của Trần Văn Hiếu ở trên là một ví dụ. Mới đây, SEVT tiếp tục triển khai chương trình đại học nội bộ để những nhân viên tốt nghiệp cao đẳng có cơ hội viết tiếp ước mơ học tập của mình.

Tính đến nay, SEVT đã vận hành gần 11 năm, với nguồn lao động có thâm niên bình quân là 8,3 năm, còn với SEV thâm niên bình quân là 9,4 năm. Đây là minh chứng rõ ràng cho thành công của hai nhà máy này nói riêng và của Samsung nói chung trong việc giữ chân người lao động, bất chấp những biến động và khó khăn kinh tế.

Có thể hầu hết mọi người biết đến Samsung Việt Nam như cứ điểm sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu; nhưng điều đáng nói hơn đó là những thực hành hướng về đặt phúc lợi người lao động lên cao nhất. Cách Samsung giải quyết hài hòa hai bài toán tưởng trái ngược nhau: lợi nhuận kinh doanh và phúc lợi người lao động - cho thấy sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp thật ra không thể không đặt trên nền tảng phục vụ tốt nhất trước hết cho nhân viên của mình. Khi một quốc gia, và rộng hơn là toàn cầu có đông đảo đội ngũ doanh nghiệp như vậy làm nòng cốt, ước mơ về một nền kinh tế nhân văn là hoàn toàn trong tầm với.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nen-kinh-te-nhan-van---cau-chuyen-nhin-tu-samsung-i385862/