Nền kinh tế ở 'ngã ba đường', Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì với lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ?

Ngày 27/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp lãnh đạo các doanh nghiệp và học giả Mỹ. Sự kiện diễn ra bên lề Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc (CDF) 2024.

Một khu trung tâm thương mại của Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: China daily)

Một khu trung tâm thương mại của Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: China daily)

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nền kinh tế chưa đạt đến đỉnh cao

Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình mời các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và cam kết cải cách hơn nữa để mở cửa thị trường trong nước cho các công ty nước ngoài.

Ông nói. “Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc rất tươi sáng và nền kinh tế chưa đạt đến đỉnh cao".

Người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng kêu gọi “một tương lai tốt đẹp hơn” giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Cho dù đó là các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại và nông nghiệp hay các lĩnh vực mới nổi như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên giúp thúc đẩy sự phát triển của nhau”, ông Tập Cận Bình bày tỏ.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2024 diễn ra từ ngày 24-25/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng cho biết, hiện trạng nền kinh tế nước này tương đối tốt.

Tỷ lệ lạm phát thấp và gánh nặng nợ của chính phủ trung ương đã giảm bớt, tạo cơ hội cho các bước chính sách vĩ mô tiếp theo.

Ông dẫn chứng: "Các biện pháp mà Trung Quốc triển khai vào năm ngoái để hạ nhiệt rủi ro về tài sản và nợ công đã phát huy hiệu quả.

Minh chứng rõ nét nhất là khoản vốn 1.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD) thu được từ việc phát hành trái phiếu kho bạc kỳ hạn siêu dài đã được công bố trước đó, sẽ thúc đẩy đầu tư, góp phần vào ổn định tăng trưởng kinh tế quốc gia".

Nỗ lực vực dậy niềm tin

Năm ngoái, vốn FDI mới vào nước này xuống thấp nhất 30 năm. Nguyên nhân là căng thẳng địa chính trị và lãi suất bên ngoài cao hơn.

Bắc Kinh đang cố gắng vực dậy niềm tin, ổn định thương mại và đầu tư nước ngoài khi đất nước phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn nhất trong nhiều thập niên.

Nước này đã triển khai một loạt biện pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Mới đây nhất, chính phủ đã đưa ra “Kế hoạch hành động” nêu ra nhiều biện pháp khác nhau để thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo đó, "Kế hoạch hành động" bao gồm mở rộng tiếp cận thị trường trong các ngành công nghiệp trọng điểm, bảo đảm sự tham gia bình đẳng của các công ty nước ngoài trong đấu thầu của chính phủ và tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Thủ tướng Lý Cường khẳng định: "Đất nước luôn chào đón mọi công ty từ tất cả các quốc gia đầu tư vào Trung Quốc và tăng cường khẳng định chỗ đứng tại nước này".

Nhà máy sản xuất của Apple tại Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

Nhà máy sản xuất của Apple tại Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

Nhà đầu tư cảnh giác

Tuy nhiên, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn cảnh giác trước sự giám sát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các công ty phương Tây cũng như sự suy thoái cơ cấu.

Trong hai tháng đầu năm 2024, dòng vốn FDI vào nước này đã giảm gần 20% so với một năm trước. Điều này cho thấy niềm tin yếu kém của các nhà điều hành toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2024, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói với các nhà hoạch định chính sách rằng, cần có nhiều cải cách ủng hộ thị trường hơn để giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau đại dịch.

Mặc dù tăng trưởng 5% trong năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát và khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Bà Georgieva nhấn mạnh: “Trung Quốc đã sẵn sàng đối mặt với một ngã ba đường: Dựa vào các chính sách đã có hiệu quả trong quá khứ hoặc cập nhật chính sách cho một kỷ nguyên mới về tăng trưởng chất lượng cao”.

Tuy nhiên, việc chuyển sang tăng trưởng tập trung vào tiêu dùng có thể "nói dễ hơn làm" khi nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu và niềm tin kinh doanh suy giảm.

Tất nhiên, vẫn có những tia sáng. Một số công ty nước ngoài mong muốn tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ.

Đơn cử như cuối tuần trước, CEO Apple Tim Cook tiết lộ sẽ tăng cường đầu tư của Apple vào Trung Quốc, khi iPhone đã mất chỗ đứng vào tay Huawei.

Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang thực sự mở cửa và tôi rất vui khi được ở đây”.

(theo CNN, Al Jazeera)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nen-kinh-te-o-nga-ba-duong-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-noi-gi-voi-lanh-dao-doanh-nghiep-my-265757.html