Nền kinh tế toàn cầu đang gây ảnh hưởng như thế nào lên giá dầu và khí đốt?

Vào hôm 22/2, giá dầu tiếp tục giảm vì nỗi lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, khí đốt ở châu Âu giảm xuống dưới mốc 50 euro, do trữ lượng khí đốt dự trữ vẫn còn cao.

Tính đến 17 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4 giảm xuống còn 81,94 USD/thùng (-1,34%).

Trong ngày đầu tiên của tháng mới, dầu WTI đã giảm xuống còn 75,20 USD/thùng (-1,52%).

Theo ông Ricardo Evangelista - nhà phân tích tại công ty môi giới ActivTrades (Vương quốc Anh), kỳ vọng của thị trường “đã thay đổi khi nền kinh tế Mỹ dần dần phục hồi, còn tình trạng lạm phát tiếp tục duy trì”.

Chỉ số PMI ở Mỹ cho thấy, nền kinh tế trong khu vực đang phục hồi tốt hơn dự kiến. Điều này có thể thúc đẩy Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản cao hơn dự kiến.

Tuy nhiên, theo ông Evangelista, việc tăng lãi suất cao hơn nữa sẽ có ảnh hưởng đến “triển vọng tăng trưởng của Mỹ, và ở một mức độ nào đó, sẽ là của thế giới”.

Thị trường đang chờ cuộc họp của FED, để xác định liệu chính sách tiền tệ sẽ trở nên thắt chặt hơn hay không. Đối với nhà phân tích, “kịch bản này sẽ gây ảnh hưởng đến giá dầu, cùng với nguy cơ nhu cầu sụt giảm trong tương lai”.

Mặt khác, giá khí đốt tự nhiên theo hợp đồng tương lai TTF đang được giao dịch ở mức 49,43 euro/MWh, sau khi đạt 47,70 euro/MWh vào ngày hôm trước - mức thấp nhất trong gần 18 tháng.

Như vậy, giá khí đốt tại châu Âu đã giảm hơn 85% so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 8, và khoảng 35% so với đầu năm.

Tại châu Âu, những mối lo ngại về nguy cơ thiếu khí đốt cho mùa đông (vì thiếu nguồn cung từ Nga) đã tan biến.

Ông Carsten Fritsch - nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank (Đức), cho biết: “Chỉ còn vài tuần nữa là mùa đông kết thúc, vậy mà các kho lưu trữ khí đốt của châu Âu vẫn còn tới 64% dung tích”. Trong khi đó, theo ông, tính đến giai đoạn giữa tháng 2 hàng năm, kho lưu trữ thường chỉ còn dưới 30 - 40%.

Nhà phân tích tiếp tục nói: “Mặc dù tháng 3 có khả năng sẽ trở lạnh hơn, thúc đẩy mọi người phải tiếp tục sử dụng hệ thống sưởi ấm cho đến tháng 4, nhưng châu Âu có thể chỉ cần lấp đầy 50% kho cho mùa đông sắp tới - một mức rất dễ chịu”.

Dù vậy, giá có thể tăng trở lại vào mùa đông tới, khi thời tiết không còn ôn hòa như năm nay. Thêm vào đó, cả nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng của Trung Quốc lẫn kinh tế quốc gia này sẽ phục hồi.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nen-kinh-te-toan-cau-dang-gay-anh-huong-nhu-the-nao-len-gia-dau-va-khi-dot-678940.html