Nền kinh tế trong chu kỳ phục hồi với những động lực tăng trưởng mới

Với sự nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi.

Năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn của kinh tế toàn cầu khi bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường, bất ổn địa chính trị gia tăng, phân mảnh địa kinh tế phức tạp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, các dự báo đều nhận định, năm nay Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 6% và năm 2025 là khoảng 6,5%; đồng thời chỉ ra những động lực quan trọng làm cơ sở cho các dự báo trên.

"Một là kinh tế phục hồi tích cực, đây là điểm quan trong cho các động lực khác nhau. Hai là nền tảng vĩ mô cơ bản ổn định, về lạm phát, về lãi suất giảm, về các cán cân thâm hụt ngân sách và nợ công đều đang ở mức tương đối ổn so với các nước tương đồng như Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta vẫn còn dư địa tài khóa để tung ra một số gói hỗ trợ như thời gian qua và sắp tới.

Câu chuyện về hội nhập quốc tế cũng là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt chúng ta đã nâng cấp và hiện có 7 đối tác chiến lược toàn diện.

Đặc biệt câu chuyện về thể chế thì 4 "Luật đinh" quan trọng là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng chuẩn bị có hiệu lực sớm từ đầu tháng 8 này. Cùng với đó là rất nhiều Nghị định Chính phủ đã ban hành thời gian qua để tháo gỡ cho 5 thị trường là du lịch, đất đai, xây dựng, bất động sản và tài chính".

Ông Phan Đức Hiếu: "Năm 2024, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng".

Ông Phan Đức Hiếu: "Năm 2024, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng".

5 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 16,6% so với cùng kỳ, ước xuất siêu hơn 8 tỷ USD; tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường khoảng 20 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ và gấp 1,7 lần so với số rút lui khỏi thị trường.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, những tín hiệu tích cực này cho thấy nền kinh tế đang trong chu kỳ phục hồi. Điều này có được là do cách điều hành kinh tế xã hội của năm 2024 khác so với năm 2023. Bối cảnh của năm 2023 thì chúng ta đã phải ưu tiên cho kiểm soát kinh tế vĩ mô, kết hợp với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hợp lý, tăng trưởng hợp lý. Bước sang năm 2024, chúng ta đã tập trung cho tăng trưởng.

"Năm nay, trong Nghị quyết của Quốc hội, của Chính là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng rồi mới đến kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa…Việc này rất quan trọng. Như vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà làm chính sách và các Quyết định của Chính phủ cũng sẽ bám theo các nguyên tắc này. Nó rất khác so với năm ngoái".

Thách thức và sức ép là rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng, nhưng Chính phủ Việt Nam hiện đã xác định không lùi bước trước những khó khăn, kiên định với các mục tiêu; bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động hiệu quả khi thị trường và kinh tế thế giới có vạn biến.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/nen-kinh-te-trong-chu-ky-phuc-hoi-voi-nhung-dong-luc-tang-truong-moi-102240610094744226.htm