Nên lấy hiệu quả tài chính làm thước đo quan trọng nhất của doanh nghiệp nhà nước
ng Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế đã đưa ra một giải pháp rất hay cho DNNN. Theo ông, nên lấy hiệu quả tài chính là tiêu chí đánh giá. Nếu DNNN thua lỗ thì 'loại' ngay.
Quang cảnh hội thảo
DNNN luôn vắng bóng trong bộ phim "tăng trưởng"
Cụ thể, tại Hội Thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc thị trường” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 29/1, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã nói ví von rằng: “Trong 5 năm vừa qua, DNNN chỉ như một diễn viên không được tham gia diễn xuất trong bộ phim ‘Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam’, nghĩa là luôn vắng bóng, không hề có mặt”.
“Việc quản lý vận hành DNNN, có rất nhiều lựa chọn như chúng ta thuê các doanh nghiệp quản lý có uy tín nước ngoài (VD: IBM...). Nhưng DNNN thường không muốn làm, muốn để cho có sự nhùng nhằng, mỗi người đều có quyền và hưởng lợi một phần nào trong đó,” ông Nguyễn Đình Cung nói.
“Nếu muốn minh bạch thì quá đơn giản, chẳng qua là không muốn làm thôi. Như vậy, không có ai vì việc chung cả. Sự lụi tàn của DNNN cũng vì nhẽ đó”, ông Cung nêu.
Qua gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã sửa đổi rất nhiều thể chế và pháp luật để DNNN ngày càng hoạt động theo cơ chế thị trường hơn, trong đó, đã có nhiều quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, xóa bỏ bao cấp đối với DNNN, đặc biệt là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước và hệ thống văn bản hướng dẫn.
Nhiều văn bản như Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ năm 2016, v.v. đều xác định phải xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, DNNN chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động bình đẳng theo cơ chế thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước còn tham gia quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, việc tuân thủ nguyên tắc ràng buộc ngân sách và kỷ luật tài chính đối với DNNN chưa được thực hiện, chẳng hạn, nhiều DNNN thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng ở Việt Nam.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp đưa ra những ví dụ cụ thể như trường hợp: Quy định huy động vốn, cầm cố tài sản đang “trói” chặt EVN trong bối cảnh DN này có nhu cầu đầu tư lớn cho các dự án; Quy định hiện hành về điều kiện bổ nhiệm người quản lý, trước hết là điều kiện về quy hoạch cán bộ, sẽ rất khó để tìm kiếm, lựa chọn, ký kết hợp đồng với người quản lý giỏi từ thị trường để bổ nhiệm vào các chức danh quản lý DNNN (CEO).
"Sự can thiệp quá sâu sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DNNN như: Hạn chế quyền tự do thỏa thuận tiền lương: khống chế mức hưởng tối đa", ông Trung nói.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, cho biết cả vạn công nhân thuộc 20 công ty của VNR đang không có lương, và lo nhất là nếu các gác chắn mà nghỉ việc thì nguy cơ dừng chạy tàu là hoàn toàn có thể.
Ông Minh lưu ý việc chậm trễ này “không phải do Ủy ban Quản lý vốn” mà do cơ chế, cụ thể là cơ chế thay đổi sau khi doanh nghiệp chuyển từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về Ủy ban.
Trong gói 7.000 tỉ đồng nâng cao kết cấu hạ tầng đường sắt mà Quốc hội đã giao cho ngành Giao thông, Tổng Công ty đã được Bộ GTVT dành cho 2 gói, nhưng là trước khi chuyển về Ủy ban.
“Nhưng do giờ không thuộc Bộ GTVT nên Bộ không giao nữa. Trong khi chúng tôi quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng. Nếu giao cho người khác thì không khác gì “anh này cầm chai nước cho anh kia uống, sặc là cái chắc”, ông Minh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đình Cung: DNNN như một diễn viên chưa được diễn trong bộ phim: Tăng trưởng
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra phân tích đề về cơ cấu tổ chức, phạm vi thẩm quyền của chủ sở hữu nhà nước và quyền của doanh nghiệp.
Ông Hiếu nói: “Nếu là cổ đông của một doanh nghiệp tư nhân thì chỉ có quyền định hướng chiến lược và giám sát thực hiện chiến lược. Các quyền còn lại là của doanh nghiệp. Thế nhưng, đối với doanh nghiệp có sở hữu nhà nước thì trong sự phân quyền của cổ đông lại có xu hướng ‘ôm thêm quyền’ mà đáng nhẽ phải giao cho doanh nghiệp”.
“Các cổ đông của doanh nghiệp tư nhân khi đi họp chỉ cần giơ tay biểu quyết những vấn đề cần lấy ý kiến. Nhưng nếu là DNNN (chẳng hạn như Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) thì cổ đông đó phải xin ít nhất 6 cơ quan và thời gian thường rất dài.
Vậy vướng mắc chủ yếu ở đây là quy trình hành chính để cơ quan chủ sở hữu nhà nước có thể thực thi được quyền của mình”, ông Phan Đức Hiếu lý giải.
Nên lấy tiêu chí đánh giá, không đạt loại ngay!
Ông Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế phát biểu đã đưa ra một giải pháp rất hay cho DNNN. Theo ông nên lấy hiệu quả tài chính là tiêu chí đánh giá. Nếu DNNN thua lỗ thì ‘loại’ ngay.
“Cần xem xét còn tư duy bảo thủ giáo điều hay không – đó là những tư duy muốn tỷ lệ DNNN chiếm đa số trong nền kinh tế,” ông Lê Xuân Bá nói. “Nên lấy hiệu quả tài chính làm thước đo quan trọng nhất. Nếu DNNN lấy khẩu hiệu là ‘hiệu quả kinh tế xã hội” thì đến khi thua lỗ họ rất dễ vin vào cớ “tại vì em làm ra hiệu quả xã hội là chính”, ông Bá nói.
“Cần giảm tỷ lệ DNNN chiếm 30% GDP xuống còn 15% GDP là phù hợp với sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay”, ông Bá kiến nghị.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economics Việt Nam cũng bày tỏ sự đáng tiếc về nguồn vốn khổng lồ mà DNNN đang sở hữu nhưng không mang lại hiệu quả.
“Tổng số của các DNNN đang sở hữu hiện nay là rất lớn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng nhưng đóng góp cho cho sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian vừa qua rất hạn chế. Nếu chúng ta chuyển nguồn lực này sang một khu vực khác của nền kinh tế - khu vực đang sử dụng vốn hiệu quả hơn - thì kinh tế sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới”, ông Bình nói.
Tổng kết hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương kiến nghị những giải pháp: Sửa đổi Luật số 69 để quy định về quyền tự chủ của HĐTV và bộ máy điều hành; không nên quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu (và các cơ quan nhà nước liên quan có thẩm quyền “quyết định” các vấn đề của DNNN.
Theo đại diện Viện này, “Quyết định” là thuộc quyền và trách nhiệm cuối cùng của doanh nghiệp, không phải của cơ quan bên ngoài, kể cả các dự án đầu tư lớn; thể chế hóa những yêu cầu của NQ số 12-NQ/TW mà đến nay chưa làm được; Tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội; Hạn chế tối đa bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN. Triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với tổng giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của DN. Và thực hiện việc tách người quản lý DN khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DN.
Theo đại diện CIEM, trong sự phát triển thần tốc của công nghệ và kinh tế số, tình trạng cải cách luật ở Việt Nam nếu tiếp tục diễn ra chậm sẽ không theo kịp và trở thành rào cản cho sự phát triển. Những bài toán khó ấy sẽ mãi không tìm thấy lời giải nếu vẫn thực hiện sửa đổi Luật theo cách cũ.
“Về việc sửa đổi luật 69, theo thông tin tôi được biết thì Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến. Dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét ở kỳ họp thứ 2. Như vậy, nếu tính cả thời gian luật có hiệu lực vào 1/1/2022 thì chúng ta mất khoảng 1 năm rưỡi”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ quan ngại.