Nên quy định cả giá trần và giá sàn đối với sách giáo khoa
Trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Theo đó, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Điều này sẽ giúp tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.
Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, cần lưu ý đến vấn đề cạnh tranh, đồng thời Dự thảo luật định giá tối đa (tức giá trần), không định giá tối thiểu (tức giá sàn), dễ dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh, sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác dụng trực tiếp đến mọi người dân. Do đó cần kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc yếu tố thị trường, có sự cạnh tranh để sách giáo khoa có giá hợp lý nhất.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thì cho rằng, đối với mặt hàng sách giáo khoa, dự thảo luật định giá tối đa, không định giá tối thiểu dễ dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao đề xuất của các đại biểu về khung giá tối thiểu và tối đa.
Theo Dự thảo luật giá (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá tối đa sách giáo khoa, còn các nhà xuất bản quy định giá cụ thể, để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của các nhà xuất bản và tránh sự tăng giá bất thường của mặt hàng này. Quy định này tiếp tục củng cố, tăng cường tính chủ động của các nhà xuất bản nhưng có cơ chế kiểm soát được giá sách giáo khoa hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam