Nên quy định 'cứng' tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội?

Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với người chưa thành niên (NCTN) nhằm bảo đảm và bảo vệ tốt nhất lợi ích cho NCTN. Tuy nhiên, một trong những nội dung của dự thảo Luật vẫn có ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội, đó là nên hay không quy định 'cứng' tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội trong dự thảo Luật này?

Bảo đảm tốt hơn các thủ tục tố tụng thân thiện

Để bảo đảm quyền lợi của NCTN, dự thảo Luật quy định: “Trong vụ án hình sự có người bị buộc tội là NCTN và người đã thành niên thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với NCTN để giải quyết vụ án độc lập”.

Ở góc nhìn của Ủy ban Tư pháp - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, quy định này cũng nhận được 2 luồng ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có NCTN để giải quyết độc lập. Trong khi đó, một số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành quy định phải tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đồng tình với việc quy định tách vụ án theo quy định tại Điều 135 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, việc tách vụ án để giải quyết độc lập, bảo đảm nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời, ưu tiên thủ tục tố tụng rút gọn, vì lợi ích tốt nhất của NCTN. Nguyên tắc này cũng phù hợp với quy định, chủ trương, đường lối của Đảng và Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, việc tách vụ án theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu sẽ bảo đảm thực hiện các thủ tục thân thiện. Bởi, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì thẩm phán giải quyết vụ án, điều tra viên, kiểm sát viên phải là người có am hiểu, có kinh nghiệm giải quyết các vụ án liên quan đến NCTN và hiểu tâm lý của trẻ. Hội đồng xét xử những vụ án NCTN khác với Hội đồng xét xử của người trưởng thành. Hội đồng xét xử của NCTN có cán bộ đoàn, giáo viên, xử ở phòng xử thân thiện và Hội đồng xét xử không mặc áo choàng mà mặc trang phục xử hành chính. NCTN không bị còng tay và được ngồi cạnh người đại diện, người bảo vệ là bố mẹ, thầy cô giáo, được trợ giúp để các em khai báo. Hiện nay trong thực tiễn đã có tòa gia đình và NCTN ở một số địa phương. “Nếu chúng ta không tách vụ việc để giải quyết độc lập thì dẫn đến NCTN phải xử chung với phòng xét xử của người trưởng thành, như vậy những chính sách ưu việt, nhân văn cho NCTN về thủ tục tố tụng thân thiện không được thực hiện”, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, hiện quy định thời hạn tiến hành tố tụng của người lớn bằng trẻ em. Dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu của Công ước và quy định thời hạn tố tụng của trẻ em chỉ bằng một nửa thời hạn tố tụng của người lớn. Với quy định chính sách mới như vậy, nếu vụ án có cả người lớn và trẻ em phạm tội mà không tách riêng trẻ em để giải quyết thì sẽ dẫn tới thời hạn tố tụng của trẻ em đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn, trong khi chưa thể kết thúc vụ án. Khi đó có nguy cơ rất cao sẽ rơi vào một trong những trường hợp phải bồi thường theo Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đó là “hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy lưu ý.

Lo ngại khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án

Khi thẩm tra dự án Luật này, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có NCTN để giải quyết độc lập, mà nên quy định theo hướng “ưu tiên việc tách vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết riêng”. Lý giải cho đề nghị này, các ý kiến cho rằng, có trường hợp việc tách vụ án có thể dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án, cũng như xác định chính xác vai trò của từng đối tượng trong vụ án. Ngoài ra, khi tách vụ án, NCTN phải tham gia vào quá trình giải quyết của cả 2 vụ án, có thể tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của NCTN so với việc chỉ giải quyết trong 1 vụ án.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Ủng hộ quan điểm không nên quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có NCTN, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định trong mọi trường hợp có NCTN đều phải tách vụ án hình sự là không hợp lý. Việc tách vụ án hình sự sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh nhiều đối tượng cướp giật tài sản là NCTN, nêu ví dụ này, đại biểu cho rằng, tách vụ án thì tách từ giai đoạn điều tra nên tài liệu để xét xử đối với bị cáo NCTN và các đối tượng khác sẽ rất khó khăn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, xét xử chung là cơ sở để Hội đồng xét xử đánh giá toàn vụ án. Tất cả các tài liệu đều được thẩm tra công khai tại phiên tòa. NCTN có quy định giam riêng nên cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và giao cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý giáo dục. Trong thời gian quản lý giáo dục, đối tượng NCTN vẫn được sinh hoạt, học tập, lao động bình thường và chờ xét xử chung. Từ phân tích này, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, dự thảo quy định tách vụ án trong trường hợp này là không cần thiết và nên giao quyền ưu tiên cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng đối tượng để có các cơ sở tách hay không tách.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc tách vụ án hình sự đối với NCTN để giải quyết vụ án độc lập chưa thực sự phù hợp. Bởi, một vụ án có rất nhiều tình tiết, chứng cứ liên quan mật thiết với nhau và có giá trị quan trọng đối với việc chứng minh trong giải quyết vụ án. Nếu quy định “cứng” có tính bắt buộc như dự thảo Luật sẽ dễ ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn và toàn diện vụ án. Do vậy, “cần nghiên cứu, quy định theo hướng mở, đối với những vụ án có NCTN và người đã thành niên phạm tội thì ưu tiên tách vụ án để giải quyết độc lập nếu điều đó không gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết vụ án”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

Mô hình phòng xử thân thiện không có vành móng ngựa, bị cáo được bố trí ngồi gần vị trí của luật sư bào chữa, người giám hộ. Nguồn: anninhthudo.vn

Mô hình phòng xử thân thiện không có vành móng ngựa, bị cáo được bố trí ngồi gần vị trí của luật sư bào chữa, người giám hộ. Nguồn: anninhthudo.vn

Qua thảo luận tại tổ về dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, có 51 ý kiến nhất trí với dự thảo luật phải tách riêng vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết độc lập nhằm bảo đảm tuân thủ đầy đủ hơn, tốt hơn các thủ tục tố tụng thân thiện đối với NCTN, và có 6 ý kiến đề nghị không nên tách vụ án hình sự có NCTN bị buộc tội để giải quyết độc lập, mà đề nghị chỉ quy định về nguyên tắc ưu tiên việc tách vụ án có NCTN.

Như vậy, việc tách hay không tách riêng vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết độc lập vẫn có ý kiến khác nhau. Do đó, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu, các chuyên gia, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, cân nhắc thấu đáo để hoàn thiện dự thảo luật nhằm mục đích bảo đảm, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NCTN.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/nen-quy-dinh-cung-tach-vu-an-hinh-su-co-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi--i382356/