Nên sớm xem xét, công nhận Đức Lĩnh là xã an toàn khu chống Pháp
Khi được hỏi, xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Chỉ thị 14–CT–TTg của TTCP về xã ATK, vùng ATK cách mạng chưa, Bí thư- Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Thê tỏ ra lạ lẫm, vì chưa hề được cấp trên nói gì về chủ trương này.
Một ATK nổi tiếng trong chống Pháp
Sau ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan ra khắp toàn quốc. Do địa hình lý tưởng, phương tiện giao thông thuận tiện cả ba tuyến đường, sắt, đường bộ, đường thủy; có núi cao, rậm rạp nối liền với địa bàn các tỉnh Bình – Trị - Thiên; nhân dân có truyền thống cách mạng, vùng Thượng Đức Thọ, hạ Hương Khê (Hà Tĩnh) được Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân khu Bốn chọn đặt làm ATK trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Đức Lĩnh có thể gọi là trung tâm, hạt nhân quan trọng của An toàn khu Trung Bộ hồi bấy giờ.
Lãnh đạo xã Đức Lĩnh hướng dẫn bà con Hội đồng hương TP Hà Tĩnh đi thăm các di tích lịch sử, công trình văn hóa của xã.
Theo tác giả Nguyễn Mai viết trong hồi ký “Nhớ lại các vùng An toàn ở Hà Tĩnh: đăng ở cuốn sách “Một thời không quên” (tập II): trong thời kỳ đầu kháng chiến chống pháp 1946 -1951, ngoài ATK Hương Khê, còn có các cơ quan tài chính Trung Bộ và cơ xưởng Liên khu Bốn đóng ở vùng Thượng Đức Thọ. Đó là cơ xưởng Yên Duệ, xưởng đúc Long Giang ở hai xã Đức Lĩnh và Đức Bồng. Ngoài ra còn có Văn phòng ATK, xưởng in bạc Cụ Hồ, Ủy ban Phát hành tiền tệ, Văn phòng Sở Kho bạc, đều đặt ở Đức Lĩnh”.
Những năm này, khí thế cách mạng ở đây nhộn nhịp khác thường. Các trung đội dân quân du kích được thành lập, ngày đêm hăng hái luyện tập quân sự, canh gác bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước. Có đến vài ngàn công nhân, viên chức ở các nhà máy, xưởng in, ngân hàng nhà nước, Tổng phát hành, kho bạc nhà nước đổ về đây. Hàng trăm thanh niên địa phương được tuyển lựa, bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm việc cho cơ quan, xí nghiệp của ATK. Từ vùng núi này, biết bao tờ giấy bạc Cụ Hồ được in ra và chuyển vào Nam cung cấp cho Liên khu 5 và các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Nhiều cụ già hiện ở lứa tuổi 80-90 của địa phương kể lại, nhân dân Đức Lĩnh có truyền thống trung thành với Đảng, thủy chung với cách mạng. Tuy những năm đầu cách mạng đời sống rất khó khăn, thiếu thốn, phần nhiều gia đình phải lấy rau cháo, sắn khoai thay cơm. Song không hề một ai tơ hào đến vàng bạc, ngân khố của Nhà nước, cho dù ở đây là nơi cất giấu hàng vạn tấn gạo, hàng chục tấn vàng, hàng trăm tấn giấy bạc Cụ Hồ để chuyển đi phân phối cho các địa phương, đơn vị trung khu vực Trung Trung Bộ.
Cần có chính sách tri ân với địa phương có công với cách mạng
Là một địa phương nhiều năm là trung tâm An toàn khu của Liên khu 4 như vậy, nhưng cho đến nay đã hơn 4 năm kể từ ngày có Quyết định 897/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng hồ sơ An toàn khu, ghi công những vùng có căn cứ cách mạng. Hơn 217 xã, 5 vùng trong toàn quốc đã được công nhận xã, vùng ATK, Đức Lĩnh vẫn chưa được các cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh hướng dẫn, xem xét về vấn đề này. Gần đây nhất, Chính phủ lại ban hành Chỉ thị 14/CT–TTg, ngày 24/3/2020 về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Chỉ thị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành UBND các cấp tiếp tục xem xét, công nhận các xã ATK, vùng ATK cách mạng nhằm kịp thời ghi nhận công lao của nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng. Triển khai đồng bộ các chính sách theo hướng ưu tiên cho các xã ATK; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án... bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng... nhằm thu hút, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng.
Thiết nghĩ, đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết của Đảng và Nhà nước nhằm tri ân công lao, sự đóng góp của địa phương trong hai cuộc kháng chiến đối với đất nước. Rất mong UBND các cấp, các bộ, ngành hữu quan tích cực vào cuộc, giúp địa phương có điều kiện nâng cao đời sống các mặt, đặc biệt là qua đây “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là các thế hệ về truyền thống của quê hương, của chiến khu ATK cách mạng”, như chỉ thị 14 đã nêu rõ.