Nên tạm dừng hoạt động doanh nghiệp vận tải có tài xế liên tục vi phạm
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đề nghị nên tạm dừng hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải nếu có tài xế liên tục vi phạm về giao thông.
Chiều 17-8, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải.
Hàng chục ngàn phương tiện vi phạm
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT Bình Định, cho biết từ năm 2020 đến tháng 7-2023, lực lượng chức năng đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử phạt 12.811 xe tải, xe container với số tiền gần 65 tỉ đồng.
Các phương tiện này vi phạm về chở hàng quá tải; chở hàng vượt quá kích thước; tự ý thay đổi kết cấu, kích thước; chở hàng để rơi vãi, có phủ bạt hoặc không có bạt che phủ.
Ngoài ra, có 7.512 xe khách vi phạm bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 13 tỉ đồng. Xe khách chủ yếu vi phạm với các lỗi đón, trả khách không đúng quy định; dừng, đỗ không đúng quy định; chạy quá tốc độ quy định; chở quá số người quy định…
Qua thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng đã tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của 60 đơn vị kinh doanh vận tải; 368 phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ; đình chỉ khai thác 17 tuyến vận tải hành khách tuyến cố định đối với 12 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Bình Định, từ năm 2018 đến nay, lực lượng công an đã lập biên bản 283.503 trường hợp, phạt với tổng số tiền hơn 286 tỉ đồng, tạm giữ hơn 46.000 phương tiện, tước giấy phép hơn 32.500 trường hợp. Các trường hợp này chủ yếu vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng, chở hàng rơi vãi, xe hết niên hạn sử dụng.
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT Bình Định đã lập biên bản hơn 28.000 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 46,4 tỉ đồng. Qua đó, lực lượng chức trách đã tạm giữ hơn 6.700 phương tiện, tước giấy phép 4.298 trường hợp do vi phạm chở hàng vượt kích thước; tự ý thay đổi kết cấu, kích thước xe; chở hàng rơi vãi, không có bạt che phủ; xe hết kiểm định.
Lãnh đạo Sở GTVT Bình Định thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức trách trong thời gian qua là quyết liệt, nhưng vẫn còn một số tồn tại. Chẳng hạn tình trạng xe khách lợi dụng danh nghĩa xe hợp đồng để chạy trá hình tuyến cố định cạnh tranh không lành mạnh với xe chạy tuyến cố định.
“Các phương tiện chở hàng quá tải, quá khổ diễn ra trên tất cả các tuyến đường và thời gian trong ngày và có xu hướng diễn biến phức tạp, gia tăng trở lại, nhất là thời điểm không có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến hư hỏng các tuyến đường, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, gây bức xúc cho người dân” ông Dũng trình bày.
Xử phạt nghiêm các lái xe vi phạm
Tương tự, đại diện Sở TN&MT Bình Định, cho rằng việc chấp hành pháp luật trong khai thác, vận chuyển của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng. Việc vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải vẫn còn diễn ra, vận chuyển không đúng khung thời gian cho phép, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hạ tầng giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông.
“Ngoài nguyên nhân chính do các nhà thầu thi công, các chủ mỏ chưa quán triệt tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do áp lực tiến độ công trình, các ban quản lý dự án chưa thật sự vào cuộc giám sát việc tuân thủ các nhà thầu thi công, sự phối hợp giữa các ngành và địa phương đôi lúc chưa kịp thời, việc xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, răn đe”, đại diện Sở TN&MT phát biểu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh phòng là chính, khi đã để xảy ra rồi thì rất nguy hiểm, rất khó cứu vãn. “Nhưng muốn phòng ngừa thì chúng ta phải nhận diện các tồn tại, để từ đó chỉ ra giải pháp. Lấy phòng ngừa làm làm trọng, tập trung phòng ngừa để không để xảy ra vi phạm, nếu phòng ngừa tốt rồi mà vẫn có trường hợp vi phạm thì phải xử lý nghiêm”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng nêu ra những tồn tại hiện nay, ví như tình trạng chủ doanh nghiệp vận tải nhiều khi giao khoán xe cho tài xế, chủ yếu quan tâm vấn đề lợi nhuận, do đó nhiều khi tài xế lái xe cẩu thả.
Nói về giải pháp, ông Tuấn cho rằng hiện nay tỉnh Bình Định đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cải sửa các tuyến đường xấu, nhỏ hẹp để giao thông thuận lợi. Trong thời gian tới, việc quản lý giao thông phải bằng hệ thống công nghệ.
“Trước mắt sẽ cho lắp đặt camera ở một số tuyến đường mà các phương tiện sẽ đi qua. Việc này sẽ giúp chúng ta quan sát được hết, từ tốc độ, tải trọng, vi phạm môi trường, xe độ chế… từ đó dẫn đến sự minh bạch trong xử lý, đồng thời sẽ giảm bớt công tác thanh tra, kiểm tra”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, việc cần hiện nay là nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nếu liên tiếp có lái xe vi phạm, ông Tuấn đề nghị nên cho dừng hoạt động một thời gian để yêu cầu đào tạo lại cho tài xế từ ý thức tham gia giao thông, kỹ thuật lái xe…
Các doanh nghiệp phải có ý thức tiến tới việc quản lý xe và lái xe bằng công nghệ. Bên cạnh đó, các ban quản lý dự án phải xử lý nghiêm các vi phạm nếu nhà thầu để xảy ra các tai nạn, nếu nghiêm trọng có thể cấm thầu vĩnh viễn…