Nén tâm hương gửi các anh hùng, liệt sĩ

Đến giờ, ca khúc 'Gửi vào thương nhớ' đã in sâu trong trái tim nhiều khán, thính giả. Ít ai biết ca khúc này ra đời khi nhạc sĩ Lê Trọng Lập bắt gặp bài thơ 'Viếng mộ ba' của con gái liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ - NGUYỄN THỊ MINH NGỌC. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với chị Minh Ngọc vào một ngày đầu tháng 7 để lắng nghe chia sẻ về những câu chuyện liên quan đến bài thơ và nhạc khúc đi vào lòng người này.

- Chào chị Minh Ngọc! Đầu tiên, rất mong chị giới thiệu về bản thân với độc giả Báo Quảng Trị?

- Tôi là Nguyễn Thị Minh Ngọc, sinh năm 1962. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Hiện nay, tôi đang sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi là con gái út trong một gia đình có bốn chị em gái. Ba tôi là liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ, nguyên là Tham mưu Phó Quân khu Trị Thiên - Huế. Ba từng tham gia hai cuộc kháng chiến và đã anh dũng hi sinh trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 tại Huế. Hiện nay, ông đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Tuy ba đã hi sinh nhưng hình ảnh của ông luôn in sâu trong trái tim tôi và các thành viên khác trong gia đình. Riêng tôi, đứa con gái út bé bỏng của ba, chưa bao giờ nghĩ rằng ba mình đã khuất.

- Như lời chia sẻ, chị là con gái út của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ, đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Chị có thể chia sẻ về hình ảnh của người cha thân yêu in sâu trong tâm trí chị cũng như các thành viên khác trong gia đình như thế nào?

- Ba tôi đi B năm 1965, lúc ấy tôi mới hơn 3 tuổi. Vì còn quá nhỏ nên tôi không thể nhớ nổi khuôn mặt ba. Kí ức về ba trong trái tim tôi là những bức thư ông viết cho mẹ và con gái. Đọc thư ba, chúng tôi cảm nhận rõ ngọn lửa yêu quê hương, đất nước luôn rạo rực trong trái tim ông. Đối diện với hòn tên, mũi đạn, ông vẫn luôn yêu đời và tự hào được cầm súng vì sự bình yên của Tổ quốc. Trong những bức thư chứa chan tình cảm, ba dành nhiều dòng để động viên, nhắc nhủ 5 mẹ con chúng tôi. Đến giờ, mỗi lần đọc thư ba, tôi vẫn không sao cầm được nước mắt. Chiến tranh qua đi, nhiều gia đình vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ. Trái ngược, mẹ và bốn chị em chúng tôi vẫn từng ngày chờ mong ba. Nhiều năm sau chiến tranh, chúng tôi vẫn không tin vào tờ giấy báo tử vô hồn. Mẹ tôi vẫn mong có ngày chồng sẽ về, gia đình được đoàn tụ. Thế nhưng, đó chỉ là giấc mơ.

- Có phải chính những câu chuyện đó của gia đình đã thôi thúc chị sáng tác bài thơ “Viếng mộ ba”, sau này được nhạc sĩ Lê Trọng Lập phổ nhạc thành ca khúc “Gửi vào thương nhớ”?

- Năm 1992, di hài của ba tôi được đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Từ đây, ông được về yên nghỉ bên các đồng chí, đồng đội của mình. Thương nhớ ba, năm nào cũng vậy, dẫu bận rộn với công việc, tôi vẫn cố gắng thu xếp để về quê và đến dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang. Giữa bãng lãng khói hương, tôi cảm giác như ba đang trở về, vỗ về, động viên. Tôi thấy mình như nhỏ bé lại, được sưởi ấm trong vòng tay ba. Chính những bức thư của ba, tình cảm của mẹ và bốn chị em cùng những xúc cảm mỗi lần đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 đã thôi thúc tôi viết bài thơ “Viếng mộ ba”. Mạch thơ là nỗi thương nhớ khôn nguôi của người còn sống gửi người đã khuất dù hơn nửa thế kỉ trôi qua. Điều đáng mừng là những vần thơ giản dị, chan chứa tình yêu thương đó đã chạm đến trái tim nhạc sĩ Lê Trọng Lập thông qua lời giới thiệu của họa sĩ Linh Giang, một người con của quê hương Quảng Trị. Với sự tâm huyết của mình, nhạc sĩ Lê Trọng Lập đã dùng thanh âm, giai điệu chắp cánh cho những vần thơ của tôi, cho ra đời ca khúc “Gửi vào thương nhớ”. Ca khúc này thể hiện tình yêu, sự nhung nhớ của người con dành cho ba, đầy sâu lắng, da diết nhưng không bi lụy.

 Câu chuyện của gia đình chị Minh Ngọc được đưa vào MV “Gửi vào thương nhớ. ẢNH CẮT TỪ MV

Câu chuyện của gia đình chị Minh Ngọc được đưa vào MV “Gửi vào thương nhớ. ẢNH CẮT TỪ MV

- Bài thơ “Viếng mộ ba” và sau này là ca khúc “Gửi vào thương nhớ” đã lan tỏa như thế nào sau khi ra đời, thưa chị?

- Khi viết bài thơ “Viếng mộ ba”, tôi không mong tác phẩm của mình sẽ trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, truyền tay nhau. Với tôi, bài thơ “Viếng mộ cha” cũng như ca khúc “Gửi vào thương nhớ” là nén tâm hương gửi đến ba tôi và những người con đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi rất bất ngờ khi bài thơ “Viếng mộ ba” được đăng tải trên báo và được nhiều người biết đến. Sau này, ca khúc “Gửi vào thương nhớ” đã lay động trái tim rất đông khán, thính giả. Nhiều ca sĩ đã chọn ca khúc này để thể hiện như: Ngọc Dung, Tố Nga, Quốc Quốc, Minh Loan… giúp lời thơ, ý nhạc vươn xa. Đặc biệt, một số đài, kênh truyền hình đã chọn ca khúc “Gửi vào thương nhớ” lồng ghép với câu chuyện của gia đình tôi để làm MV ca nhạc. MV ca khúc “Gửi vào thương nhớ” từng xuất hiện trong các chương trình: “Miền nhớ” trên sóng VTV1, “Lời trái tim” trên kênh Truyền hình Quốc phòng, “Giai điệu quê hương” của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị… Tính riêng MV “Gửi vào thương nhớ” của Truyền hình Quốc phòng trên kênh Youtube đã có hơn 4.000 lượt người theo dõi.

Nhiều độc giả, khán giả, thính giả sau khi đọc bài thơ “Viếng mộ ba” hoặc nghe ca khúc “Gửi vào thương nhớ” đã liên lạc với tôi để chia sẻ cảm xúc. Điều khiến tôi bất ngờ là những người quan tâm, theo dõi, yêu thích ở nhiều lứa tuổi, vùng miền, hoàn cảnh… khác nhau, trong đó có khá đông bạn trẻ. Đặc biệt, tôi nhận được sự đồng cảm sâu sắc của những người có ông bà, ba mẹ từng đi qua bom đạn chiến tranh. Họ chia sẻ về sự hi sinh cao cả của cha tôi và cả người mẹ tảo tần hôm sớm. Điều đó đã làm tôi xúc động đến trào nước mắt.

- Theo chị, thành công lớn nhất của bài thơ “Viếng mộ ba” và ca khúc “Gửi vào thương nhớ” là gì?

- Như đã chia sẻ, tôi chỉ xem bài thơ “Viếng mộ cha” và sau này là ca khúc “Gửi vào thương nhớ” là nén tâm hương mà tôi cũng như nhạc sĩ Lê Trọng Lập gửi đến những con người đã hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Theo tôi, thành công lớn nhất của bài thơ, bài hát mang lại chính là nhắc nhủ thế hệ sau không bao giờ quên sự hi sinh xương máu của lớp người đi trước. Họ đã xếp vào ba lô những ước mơ đơn giản nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất để đi đánh giặc. Xin hãy một lòng hướng về họ, tri ân họ bằng việc làm cụ thể.

- Được biết, ngoài bài thơ “Viếng mộ ba”, mặc dù chỉ xem thơ ca như “một cuộc dạo chơi” nhưng chị còn nhiều thi phẩm viết về những người đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mong chị chia sẻ thêm với độc giả Báo Quảng Trị?

- Đúng là tôi chỉ xem thơ ca như “một cuộc dạo chơi” đầy cảm xúc. Tôi là dân tự nhiên, không qua trường lớp đào tạo văn chương nên những sáng tác có phần đơn giản, mộc mạc. Vì luôn hướng trái tim yêu thương về ba và các anh hùng, liệt sĩ nên phần lớn sáng tác của tôi đến lấy cảm hứng từ những người con ưu tú của Tổ quốc. Gần đây, tôi cũng viết nhiều bài thơ về những người mẹ, người chị, người con… của các anh hùng, liệt sĩ, cựu chiến binh - những con người thầm lặng đã “tiếp lửa” cho tiền tuyến và luôn từng ngày vươn lên giữa nỗi đau mất thân nhân. Điều đáng mừng là một số bài thơ của tôi được đăng trên báo, tạp chí và được bạn đọc đón nhận.

- Phải chăng do là một người con liệt sĩ nên chị có nhiều xúc cảm để viết về mảng đề tài này?

- Đúng vậy! Tôi thường nói đùa mà rất thật rằng: “Từ nhỏ, mình ăn cơm lính mà lớn lên”. Ba tôi là một người lính, xông pha trận mạc, còn mẹ tôi lúc trẻ công tác ở Quân Y viện 4 thuộc Quân khu 4. Tôi yêu quý tất cả những người lính đã hiến dâng máu, mồ hôi, nước mắt cho quê hương, đất nước như ba mẹ mình. Tôi xem họ như người thân trong gia đình. Vì thế, họ chính là nguồn cảm hứng mãnh liệt để tôi sống và viết.

- Còn trong cuộc sống hằng ngày, là một người con liệt sĩ, chị thấy mình mang trọng trách gì đặc biệt?

- Tôi hiểu sâu sắc rằng, không chỉ tôi và gia đình mang nỗi đau chiến tranh mà nỗi đau này chính là của cả dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, chúng ta không thể sống mãi với nỗi đau mà phải biến nó thành hành động. Suy nghĩ như vậy nên tôi luôn nhắc nhủ bản thân phải sống và làm việc thật tốt, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hi sinh của ba tôi và các anh hùng, liệt sĩ.

- Mong chị chia sẻ về những dự định trong thời gian tới?

- Tôi sẽ tiếp tục sống và nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng là một người con của liệt sĩ. Tôi cũng sẽ thu xếp nhiều thời gian hơn để chăm sóc mẹ già và đặc biệt là trở về thăm Quảng Trị, dâng hương, dâng hoa cho ba mình cùng các đồng đội. Hiện nay, tôi đang hoàn thiện một số thi phẩm mới và ấp ủ những bài thơ khác. Đúng vào dịp 27/7 năm nay, ca khúc “Hi vọng” được lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của tôi sẽ ra đời qua phần thể hiện của nghệ sĩ, diễn viên Quốc Quốc. Tôi hi vọng rằng những thông điệp từ trái tim mình sẽ chạm đến trái tim của nhiều người như bài thơ “Viếng mộ ba” và ca khúc “Gửi vào thương nhớ”.

- Xin cảm ơn chị!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141044