Nền tảng để trẻ em DTTS mở cánh cửa tri thức

Tại huyện Đam Rông, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non được xem là nền tảng quan trọng của hành trình giáo dục. Tiếng Việt không chỉ giúp các em mở cánh cửa tri thức mà còn gắn kết các em với cộng đồng học tập rộng lớn phía trước. Nhằm thực hiện mục tiêu này, ngành Giáo dục huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, đặt trọng tâm vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non.

Hoạt động dạy học linh hoạt, gần gũi giúp học sinh mầm non từng bước làm quen và sử dụng tiếng Việt tự tin hơn

Hoạt động dạy học linh hoạt, gần gũi giúp học sinh mầm non từng bước làm quen và sử dụng tiếng Việt tự tin hơn

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG TIẾNG VIỆT THÂN THIỆN, GẦN GŨI

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu giúp trẻ em dân tộc thiểu số làm chủ kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt và học tập, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông đã tổ chức nhiều chuyên đề thiết thực tại các trường mầm non trên địa bàn. Một trong những điểm sáng là chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ” được triển khai tại Trường Mầm non Đạ Tông. Chuyên đề này đã khơi nguồn sáng tạo cho giáo viên trong việc xây dựng môi trường ngôn ngữ sống động, phù hợp với nhận thức lứa tuổi. Tại các lớp học, khuôn viên được bố trí nhiều “góc tiếng Việt” hấp dẫn như: thư viện thân thiện, thư viện xanh, góc giới thiệu văn hóa dân gian, góc thiên nhiên, góc trải nghiệm sáng tạo… góp phần hình thành cho trẻ thói quen giao tiếp, tương tác qua lời nói. Qua đó, trẻ được tiếp cận ngôn ngữ phổ thông một cách tự nhiên, mềm mại, không bị áp lực.

Cô Phạm Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ Tông chia sẻ: “Chúng tôi luôn lấy tiếng mẹ đẻ làm nền tảng, từ đó giúp các con tiếp cận tiếng Việt một cách linh hoạt. Bên cạnh việc ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, giáo viên còn linh hoạt vận dụng trò chơi, kể chuyện, hát múa để tạo hứng thú cho trẻ, giúp việc học tiếng Việt trở nên gần gũi, thân thuộc hơn”.

Tại một hội nghị chuyên đề mới đây, các tham luận từ đại diện các trường mầm non cũng đã nêu bật những kết quả bước đầu, đồng thời phân tích thực trạng, khó khăn trong triển khai mô hình tại địa phương. Việc thiếu tài liệu dạy học phù hợp, hạn chế về cơ sở vật chất, hay sự phối hợp chưa đồng bộ từ gia đình, cộng đồng là những vấn đề còn hiện hữu. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, nhiều giải pháp đã được đưa ra, tạo nền tảng để tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả trong thời gian tới.

CHUNG TAY VÌ TƯƠNG LAI TRẺ NHỎ

Năm học 2024 - 2025, toàn huyện Đam Rông có 1.220 trẻ 5 tuổi cần được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp một. Để đáp ứng nhu cầu này, ngành Giáo dục huyện đã triển khai các lớp học tại 12 trường tiểu học trên địa bàn. Tại các lớp học này, các em sẽ được làm quen với tiếng Việt qua các hoạt động nghe, hiểu và nói cơ bản, đồng thời rèn luyện nền nếp sinh hoạt lớp học, kỹ năng học tập và giao tiếp cộng đồng.

Ngoài việc tổ chức tại trường học, công tác tăng cường tiếng Việt còn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và phụ huynh học sinh. Ông Âu Văn Nghị - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông nhấn mạnh: “Để tạo môi trường tiếng Việt một cách toàn diện cho trẻ, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhà trường, gia đình đến cộng đồng. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ sử dụng tiếng Việt tại nhà, thường xuyên kể chuyện, hát, đọc sách cùng con. Các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên nên tổ chức nhiều sân chơi hè bổ ích, tạo cơ hội để trẻ được giao lưu, học hỏi tiếng Việt qua các hoạt động tập thể”.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cũng được đặc biệt chú trọng. Các trường học trên địa bàn đã chủ động tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, chia sẻ trực tiếp với phụ huynh để giải thích về tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt, hướng dẫn phụ huynh cách đồng hành cùng con trong quá trình học tập, từ đó giúp trẻ tự tin hơn khi bước vào lớp một.

Từ hiệu quả bước đầu, ngành Giáo dục huyện Đam Rông xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu, học liệu phục vụ công tác dạy và học tiếng Việt. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự đóng góp, chung tay từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng môi trường giáo dục tại các địa bàn có đông đồng bào DTTS.

Theo ông Âu Văn Nghị, ngành Giáo dục huyện Đam Rông sẽ tiếp tục xây dựng môi trường ngôn ngữ thân thiện, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngôn ngữ và phối hợp với phụ huynh, cộng đồng để tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt trong đời sống. Chương trình này không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là nền tảng vững chắc cho hành trình học tập lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo quyền học tập bình đẳng cho mọi trẻ em. Với cam kết bền bỉ, huyện Đam Rông đang từng bước tạo dựng môi trường học tập lành mạnh và phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ.

HƯƠNG LY

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/nen-tang-de-tre-em-dtts-mo-canh-cua-tri-thuc-7783f39/