Bài toán thanh niên 'hai không'

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý I-2025, cả nước có 1,35 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,4% tổng số thanh niên cả nước. Con số này tuy đã giảm 66,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn rất đáng lo.

Thế hệ Gen Z được đánh giá là năng động, sáng tạo nhưng lại thiếu và yếu những kỹ năng cơ bản trong môi trường làm việc ngày càng khắt khe, chuyên nghiệp. Trong khi với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, dù có nhiều cơ hội học tập, làm việc trong môi trường tốt nhưng một bộ phận người trẻ thiếu hoài bão, ý chí phấn đấu, không chọn những nghề đòi hỏi trình độ, tay nghề cao mà chỉ thích việc dễ, kiếm tiền nhanh, như tài xế công nghệ, bán hàng online... khó bền vững.

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời và sung sức nhất về thể chất, trí tuệ, những thanh niên “hai không” khiến gia đình và xã hội không thể yên tâm. Bởi từ không học hành, không nghề nghiệp ổn định đến tương lai màu xám là nhãn tiền.

Mặc dù nhiều giải pháp đã được triển khai, từ định hướng nghề nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn khởi nghiệp... tuy nhiên, gốc rễ vẫn là công tác giáo dục, định hướng trong gia đình và nhà trường từ sớm, từ xa và phải thực sự quan tâm để nâng cao nhận thức của giới trẻ trong việc xác định nghề nghiệp, xây dựng ước mơ và quyết tâm phấn đấu lập thân, lập nghiệp.

Trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Thanh niên là trụ cột để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới". Mỗi người trẻ, gia đình và cấp ủy, chính quyền cần nhận thức rõ: Những thanh niên "hai không" rất dễ bị tụt lại phía sau trong kỷ nguyên mới, thậm chí còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bài toán khó, cần sự quyết tâm của Chính phủ để sớm có lời giải.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bai-toan-thanh-nien-hai-khong-825538