Nền tảng để vận hành hiệu quả chính quyền địa phương hai cấp

Không có dữ liệu thì không thể điều hành, cải cách và phục vụ người dân một cách thực chất, hiệu quả trong kỷ nguyên mới. Đây là chân lý hiển nhiên trong kỷ nguyên số nơi dữ liệu được ví như hệ thần kinh trung ương xuyên suốt trong cơ thể bộ máy Nhà nước.

Đặc biệt, khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7/2025, thì yêu cầu về một nền tảng dữ liệu đồng bộ, “đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung” càng trở nên cấp bách, không thể chậm trễ hơn.

Không thể vận hành hiệu quả nếu thiếu nền tảng dữ liệu

Hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã nói nhiều đến cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Nhưng phải đến khi Đề án 06 của Chính phủ, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 71/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, thì nhiệm vụ số hóa dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành mới thực sự được đặt vào trung tâm trong chiến lược phát triển chính quyền hiện đại.

Lực lượng Công an các cấp tiên phong đi đầu trong số hóa dữ liệu, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành.

Lực lượng Công an các cấp tiên phong đi đầu trong số hóa dữ liệu, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành.

Thế nhưng, nhìn vào thực trạng, khoảng cách giữa kỳ vọng chính trị và năng lực xây dựng dữ liệu hiện hữu vẫn còn một khoảng trống lớn. Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Trong tổng số 11 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo Kế hoạch 02, vẫn còn tới 5 cơ sở dữ liệu chưa được khởi động. Còn trong số 116 cơ sở dữ liệu theo Nghị quyết 71 của Chính phủ có đến 57 cơ sở dữ liệu chưa được sử dụng hoặc chưa xây dựng. Điều này cho thấy tiến độ triển khai dữ liệu của các bộ, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ; chất lượng dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối, chia sẻ, ra quyết định.

Dữ liệu phân tán, phân mảnh, thiếu quy chuẩn, thiếu liên thông, thiếu hạ tầng chính là điểm nghẽn then chốt của quá trình chuyển đổi số hiện nay. Thực tế đang chứng minh rằng, không có dữ liệu, không thể có điều hành thông minh, chuyển đổi số. Không thể nào thực hiện được 230 chỉ tiêu điều hành của Chính phủ nếu các bộ, ngành vẫn đang loay hoay với những cơ sở dữ liệu “chết”, dữ liệu không cập nhật, không kết nối, không có khả năng hỗ trợ ra quyết định.

Cũng theo Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, hiện nay trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, cả nước đã có 1919/6061 (32%) thủ tục hành chính thực hiện toàn trình. Tuy nhiên, có đến 82% thủ tục hành chính toàn trình không phát sinh hồ sơ trực tuyến trong nửa đầu năm 2025. Điều này cho thấy người dân, doanh nghiệp dường như chưa thực sự “mặn mà” với các thủ tục hành chính trực tuyến vì bản chất hiện nay mới chỉ thay đổi hình thức từ nộp trực tiếp hồ sơ giấy sang nộp hồ sơ điện tử. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta vừa triển khai chính quyền địa phương 2 cấp với phương châm hành chính phục vụ, vấn đề này càng cấp thiết và phải đi vào thực chất.

Nguyên nhân được lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đánh giá là do nền tảng chưa hình thành cơ bản. Các bộ, ngành chưa xác định được việc xây dựng nền tảng dùng chung thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; hiện nay hầu hết các hệ thống đầu tư không đồng bộ, được chia làm nhiều giai đoạn, công nghệ và chia cắt, chưa được kết nối, liên thông. Dữ liệu còn chưa đầy đủ, rời rạc và phân mảnh, chưa bảo đảm đồng bộ về cấu trúc, tiêu chuẩn, trường thông tin, phục vụ kết nối liên thông.

Hiện chỉ có dữ liệu dân cư, căn cước, định danh cá nhân, bảo hiểm là đảm bảo lưu trữ tập trung, cập nhật “đúng đủ, sạch sống, thống nhất, dùng chung”. Còn lại, tình trạng tạo lập lưu trữ dữ liệu không gắn với nghiệp vụ, không đảm bảo pháp lý và phân tán vẫn là phổ biến, việc đồng bộ dữ liệu từ địa phương lên trung ương còn chậm và thiếu tính hệ thống. Ở cấp chính quyền địa phương hai cấp nơi trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, việc không có dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung” sẽ khiến cho cải cách hành chính loay hoay với giấy tờ, dịch vụ công vẫn vận hành theo lối thủ công, và niềm tin của người dân vào chính quyền điện tử vẫn còn mong manh.

Vai trò trụ cột trong kiến tạo hạ tầng dữ liệu quốc gia

Trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 71 của Chính phủ; Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương; Thông báo kết luận số 35-TB/TGV của Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó đã thống nhất giao nhiệm vụ “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các tập đoàn, doanh nghiệp được phân công rà soát toàn diện, đánh giá hiện trạng 11 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thành 4 nhóm (đã xây dựng và sử dụng được; chưa xây dựng; đang xây dựng; đã xây dựng nhưng không sử dụng được), phối hợp ban hành Kế hoạch chi tiết đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu, bảo đảm hoàn thành theo đúng hạn và đồng bộ dữ liệu theo quy định”.

Với năng lực công nghệ và kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là “đúng, đủ, sạch, sống” bậc nhất hiện nay, Bộ Công an đã kiến tạo được mẫu hình chuẩn cho việc thu thập – xử lý – chia sẻ dữ liệu phục vụ điều hành, đồng thời hỗ trợ các bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai số hóa toàn diện. Cùng với đó, việc yêu cầu các đơn vị phải xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể đến từng ngày, giao rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phối hợp với các tập đoàn công nghệ như Viettel, VNPT, FPT… cũng cho thấy một cách làm mới: lấy kết quả thực chất làm thước đo, thay cho những báo cáo hình thức lâu nay vẫn tồn tại trong cải cách hành chính. Để đáp ứng và phục vụ cho chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công an được đánh giá là lực lượng nòng cốt, chủ lực, giữ vai trò "nhạc trưởng" trong việc xây dựng Kiến trúc tổng thể hệ thống chuyển đổi số và chuẩn hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu từ Trung ương tới địa phương.

Lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an đánh giá, chúng ta đang ở trong giai đoạn quyết định, nếu không hành động nhanh, quyết tâm, quyết liệt và thực chất, mục tiêu hoàn thành 11 Cơ sở dữ liệu quốc gia trong năm 2025 và hoàn thành các cơ sở dữ liệu còn lại khác theo lộ trình của Nghị quyết 71 sẽ vô cùng khó khăn. Từ kinh nghiệm thực tế, có thể rút ra những nguyên tắc bất di bất dịch để triển khai thành công hệ thống dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành như: Dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống” cập nhật liên tục, gắn với vận hành thực tiễn, không chỉ là bản sao số hóa từ tài liệu giấy. Dữ liệu phải “thống nhất” đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành và trong nội bộ từng ngành. Dữ liệu phải “dùng chung” chia sẻ được giữa các đơn vị, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Dữ liệu phải “pháp lý hóa” có quy định rõ ràng về tạo lập, khai thác, bảo vệ, bảo mật dữ liệu. Dữ liệu phải “đo lường được” phục vụ công tác điều hành, đánh giá kết quả một cách định lượng, minh bạch.

Cơ sở dữ liệu không chỉ là công cụ vận hành, nó chính là nền tảng phát triển của quốc gia trong kỷ nguyên số. Nếu coi chính quyền là “bộ não”, thì dữ liệu là “trí nhớ” và “hệ thần kinh” trung ương của bộ máy ấy. Không thể có một bộ máy vận hành minh bạch, hiệu quả nếu không có dữ liệu để phân tích, ra quyết định, giám sát... Không thể có một nền hành chính phục vụ nếu vẫn yêu cầu người dân cung cấp lại những thông tin mà Nhà nước đã có, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “dữ liệu, chuyển đổi số chính là hệ thần kinh trung ương của chính quyền hai cấp”. Dữ liệu phải được liên tục kết nối, thống nhất, dùng chung, làm giàu, là tài sản số vô giá của quốc gia.

Trong giai đoạn “chuyển mình” của chính quyền hai cấp, dữ liệu không còn là vấn đề kỹ thuật, mà là vấn đề chính trị, là cam kết đổi mới, là thước đo năng lực quản trị quốc gia. Mỗi cơ sở dữ liệu hoàn thành không chỉ là một sản phẩm công nghệ, mà còn là một bước tiến cụ thể trong công cuộc đổi mới mô hình chính quyền, xây dựng niềm tin của người dân vào Nhà nước.

Trong kỷ nguyên mới, rõ ràng đất nước muốn đi nhanh phải có khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và muốn đi xa phải có dữ liệu. Nhưng nếu muốn đi đến đích thì cần có quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và trách nhiệm đến cùng của những người đứng đầu. Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành không chỉ là nhiệm vụ công nghệ đơn thuần mà là nhiệm vụ chính trị trọng đại của các bộ, ngành, của cả hệ thống chính trị để phục vụ cho bộ máy chính quyền hai cấp hiện nay và sâu hơn chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/nen-tang-de-van-hanh-hieu-qua-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-i775004/